PGS, TS Ngô Văn Giá:

Nên làm mới các đề tài nghiên cứu văn học

Văn học cũng đa dạng như cuộc sống, là mảnh đất màu mỡ có thể khai thác nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, có tình trạng vẫn đi theo “lối mòn” mà thiếu đi sự sáng tạo trong cách tìm đề tài nghiên cứu ở nhà trường. Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Trường đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ với Thời Nay.

Nên làm mới các đề tài nghiên cứu văn học

Phóng viên (PV): Nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh hiện nay chọn những tác giả, tác phẩm đỉnh cao, đã định hình trong thời kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ làm đề tài. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

PGS, TS Ngô Văn Giá (NVG): Là người trực tiếp đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, tôi thấy những người học hiện nay có hai dạng. Dạng thứ nhất, cũng là số đông, làm công việc ấy như một cách trả bài. Họ thường chọn những tác giả, những vấn đề thuộc về quá khứ mang tính chất ổn định để làm được một bài luận trơn tru, thiếu sự sáng tạo hay đóng góp cho văn học. Dạng thứ hai là những người dám “húc” vào những tác giả, những vấn đề mới của đời sống văn học đương đại. Những trường hợp như vậy năm nào cũng có, tuy số lượng không bằng dạng thứ nhất nhưng cũng tương đối và chúng tôi thường trông chờ vào sự phá cách, cái nhìn cũng như hướng tiếp cận mới của nhóm thứ hai này.

PV: Ông có thể gợi ý cách chọn đề tài như thế nào?

NVG: Theo tôi thấy, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu sinh hiện nay rơi vào tình trạng chung là khánh kiệt đề tài. Chính vì vậy, người học cần tìm được hướng đi để tạo ra đề tài mới mẻ, cập nhật. Theo tôi, những tác giả cũ hoặc vấn đề cũ nếu có cách tiếp cận mới dưới một lý thuyết nghiên cứu mới thì sẽ tạo ra được kết quả mới. Thí dụ, một tác giả lớn như Nam Cao tưởng rằng còn gì để nói nữa? Nhưng hãy thử nghiên cứu theo hướng tự sự học, ký hiệu học hay văn hóa.

Ngoài ra, học viên còn có thể tự tìm ra những vấn đề hoàn toàn mới. Đây là yếu tố rất quan trọng, là sự kết hợp giữa độ nhạy bén của các cán bộ giảng dạy, làm công việc hướng dẫn nghiên cứu với độ nhạy bén, yêu thích văn chương, năng động, hiện đại của người đi học. Hướng đi này cần đặc biệt khuyến khích.

PV: Theo ông, các tác giả, tác phẩm nổi bật của văn học hiện nay có thể trở thành đề tài nghiên cứu, phân tích cho học viên, nghiên cứu sinh hay không?

NVG: Trong vòng 5 năm trở về trước hoặc hơn thế, Nguyễn Ngọc Tư có thể là tác giả mới của đời sống văn học đương đại. Bây giờ, vẫn đối tượng này, tuy không còn được hiểu theo nghĩa là tác giả hoàn toàn mới nữa nhưng khi đưa vào nghiên cứu, nó sẽ mới ở chỗ người học tiếp cận dưới một ánh sáng lý thuyết mới thì đó là điều quá tốt. Những năm gần đây, người ta cũng quan tâm đến những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, hay một số cây bút trẻ hiện nay đang tham gia vào đời sống văn học và có những đóng góp nhất định. Tất cả những tác giả, tác phẩm đó đều có thể trở thành đề tài hay nếu người học biết chạm đến những khía cạnh thú vị.

PV: Các trường dạy về văn học, các khoa văn hay viện nghiên cứu nên có những hoạt động như thế nào để cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh quan tâm hơn đến đời sống văn học đương đại?

NVG: Các cơ sở đào tạo luôn có những phương thức thực hiện rất hiệu quả. Thứ nhất là nói chuyện chuyên đề. Mời các nhà nghiên cứu tên tuổi, chuyên gia một lĩnh vực nào đó đến giảng cho học viên để họ hiểu sâu hơn các chuyên đề về văn học. Thứ hai là tổ chức các hội thảo khoa học để công bố những nghiên cứu mới nhất của giới nghiên cứu về văn chương, trên thực tế họ đã làm rất tốt. Ngay tại Khoa Viết văn - Báo chí, Trường đại học Văn hóa Hà Nội cũng tổ chức rất nhiều buổi tọa đàm về văn học và được đông đảo sinh viên hưởng ứng. Qua đó, học viên có thể tham gia và thụ hưởng thành quả của những nghiên cứu mới nhất. Đây cũng là cách thức mang lại hiệu quả cao, chỉ có như vậy người đi học mới có thể tiếp cận thường xuyên, được sống trong không khí văn chương mang tính thời sự. Điều này góp phần làm cho đời sống văn học trở nên tươi mới hơn, tránh đi cái hàn lâm khô cứng, cũ kỹ, tạo cho học viên nhiều hứng thú về đời sống văn học đương đại.

PV: Hiện nay, người đi học cần có sự chủ động tìm đề tài trong đời sống văn học đương đại như thế nào, thưa ông?

NVG: Rõ ràng những người đi học trước tiên phải là người yêu thích văn chương, có sự cập nhật và ham hiểu biết. Như thế họ sẽ có nhu cầu tìm kiếm những giá trị văn học mới. Khi tiếp cận một vấn đề mới, họ phải rất mau chóng làm chủ nó, biến nó trở thành đối tượng nghiên cứu quan trọng của mình. Tôi lấy thí dụ trường hợp của nhà văn Phạm Duy Nghĩa, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh đã có một vị trí trong đời sống văn học của đất nước. Tuy nhiên, trong suốt gần chục năm nay anh ấy không in thêm cuốn sách nào, chỉ âm thầm viết. Những chuyện lẻ của anh sau này xuất hiện rất thưa vắng. Điều đó không phải anh không viết được nữa mà anh ấp ủ để thay đổi lối viết, làm mới lại mình. Vậy thì người nghiên cứu phải nắm được hàng loạt tác phẩm của anh ấy để thấy được Phạm Duy Nghĩa trước đây và hiện nay đã có những chuyển đổi như thế nào. Tôi muốn nói rằng, người học bây giờ cần nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt các tác giả mới, tác phẩm mới, vấn đề mới để đi cùng.

PV: Xin cảm ơn PGS!