TS Bích Ngọc Turner:

“Mong nhà văn Việt Nam kết nối với trường đại học Mỹ”

TS Bích Ngọc Turner (tên gọi trước khi lấy chồng là Đỗ Ngọc Bích) đang định cư tại Mỹ, được biết đến là giảng viên dạy tiếng Việt, văn hóa Việt Nam, văn học Việt Nam thời kỳ hậu chiến ở Trường đại học Washington, thành phố Seattle, bang Washington. Chị chia sẻ với Thời Nay từ một số thực tế dạy và tìm hiểu văn học Việt Nam ở Mỹ.

“Mong nhà văn Việt Nam kết nối với trường đại học Mỹ”

Phóng viên (PV): Hãy kể về việc giảng dạy của chị tại trường đại học của Mỹ. Những đối tượng nào học môn mà chị giảng dạy và mục đích của họ? Thách thức nào lớn nhất với chị trong công việc giảng dạy ở đó?

TS Bích Ngọc Turner: Tôi có thời gian dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho Trung tâm đào tạo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Và chính thức nhận được việc giảng dạy ngôn ngữ và văn học Việt Nam ở Khoa Ngôn ngữ và Văn học châu Á, Trường đại học Washington năm 2014. Ngoài việc dạy tiếng Việt cho sinh viên năm thứ nhất, thứ hai và thứ ba, tôi dạy ba môn chuyên ngành Việt Nam học khác bằng tiếng Anh, là “Việt Nam sau nội chiến trong văn học, phim, và truyền thông”; “Văn hóa đô thị Việt Nam đương đại”; và “Văn học Việt Nam thế kỷ 20”. 

Sinh viên đa số là Mỹ gốc Việt, muốn học tiếng Việt, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và một phần lịch sử quá khứ của cha mẹ ông bà các em. Khoảng 5 - 10% sinh viên không phải gốc Việt, nhưng tò mò muốn tìm hiểu hoặc có bạn thân, bạn trai, bạn gái, gia đình là gốc Việt. Thách thức lớn nhất là luôn phải lấy sinh viên làm trung tâm, hiểu rõ nhu cầu và khó khăn cũng như thuận lợi của mỗi em, soạn bài giảng phong phú, đa chiều, khách quan và nhiều hình ảnh, đa dạng phương thức công cụ dạy: tài liệu nghiên cứu, sách truyện thơ văn, hồi ký, phim truyện, phóng sự, phim tài liệu. Nói chung là mất rất nhiều thời gian. Dạy một giờ thì mất 10 - 15 giờ chuẩn bị. 

PV: Chị có thấy thiếu thốn những tác phẩm văn học Việt Nam ở Mỹ  sử dụng trong công tác giảng dạy tại trường đại học?

TS Bích Ngọc Turner: Hiện, không thiếu lắm vì lớp văn học Việt Nam ở Mỹ hiện nay mới ở mức là một môn phụ, bổ trợ cho kiến thức tổng quát về xã hội nhân văn hay văn học thế giới. Vì tôi dạy một lớp văn học Việt Nam thế kỷ 20 nên cảm thấy số sách đã dịch tương đối đủ. Ngoài ra, tôi cũng có thể tự dịch một ít trích đoạn văn. Nhưng nếu nó là một chuyên ngành riêng thì chắc sẽ thiếu nhiều.

PV: Chị có từng suy nghĩ về việc tại sao tác phẩm văn học Việt Nam phát hành ở Mỹ còn chưa phổ biến lắm?

TS Bích Ngọc Turner: Ngược lại, tôi cảm thấy đã rất may mắn vì văn học Việt Nam được dịch và phát hành ở Mỹ khá nhiều so với các thứ tiếng của các nước Đông Nam Á khác, có lẽ là vì người Mỹ cũng có sự tò mò lớn hơn đối với Việt Nam do cuộc chiến mà họ gọi là “chiến tranh Việt Nam”.

PV: Trong thư viện trường đại học ở Mỹ và các thư viện lớn nơi chị lui tới, chị có tìm thấy tác phẩm văn học Việt Nam không? Đó là những tác phẩm nào? Đồng nghiệp Mỹ của chị nói gì về những tác phẩm đó?

TS Bích Ngọc Turner: Tôi đã tìm hiểu và được đọc (lại) rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam tại ba thư viện ở Mỹ: Trường đại học Hawaii nơi tôi học cao học, Trường đại học Yale nơi tôi làm việc một thời gian ngắn và Trường đại học Washington nơi tôi làm việc từ bảy năm qua. Các trường đại học lớn khác chắc chắn cũng đầu tư mua sách văn học và nghiên cứu phê bình văn học từ Việt Nam rất nhiều. Chủ yếu vẫn là văn học thế kỷ 20, hàng trăm nghìn cuốn, không kể hết tên ra được và gần đây có một số ít là những tác phẩm của thế kỷ 21. Các trường đại học có chuyên ngành Đông Nam Á học nói chung đều được cấp một ngân sách khá hào phóng mỗi năm để đặt mua sách báo từ Việt Nam.

Đồng nghiệp Mỹ trừ khi là người Mỹ gốc Việt thì rất ít người đủ trình độ đọc sách văn học Việt Nam nguyên gốc. Có một số ít đọc văn học dịch nhưng chủ yếu là vì họ dạy môn lịch sử Việt Nam, chiến tranh Việt Nam nên cần bổ sung thêm một số sách liên quan tới cuộc chiến đó, thí dụ như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh hay “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Đặng Thùy Trâm... Một số đồng nghiệp hỏi tôi nên đọc quyển nào để hiểu biết hơn về Việt Nam, thì tùy nhu cầu của họ tôi đưa ra gợi ý thích hợp, thí dụ như “Thời xa vắng” của Lê Lựu hay “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng hay tuyển tập các truyện ngắn viết sau chiến tranh. Ở Mỹ hiện nay cũng có hơn chục tập truyện ngắn Việt Nam và chừng 15 - 20 cuốn tiểu thuyết chọn lọc điển hình đã được dịch, nhưng trong khuôn khổ một lớp học 10 tuần, 50 tiết, thì tôi thường chỉ chọn năm cuốn tiểu thuyết và hai - ba tuyển tập truyện ngắn ít bị trùng lặp, bao gồm những truyện từ cuối thời kỳ thực dân đến đầu thế kỷ 21.

PV: Theo chị, để quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam được tốt ở Mỹ, thì từ phía Việt Nam nên làm gì?

TS Bích Ngọc Turner: Theo tôi, Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn Việt Nam nên thông qua cầu nối là các trường đại học nơi có chương trình cử nhân hay cao học về Đông Nam Á, khoa tiếng Việt, hay lịch sử Việt Nam. Các giáo sư ở Mỹ thường có khả năng mời một khách mời mỗi năm thỉnh giảng, nói chuyện, tùy ngân sách mỗi nơi. Một cách nữa là nên tạo điều kiện hay học bổng để sinh viên Việt Nam đề xuất một đề tài nghiên cứu văn học Việt Nam ở Mỹ hay tài trợ đón nhận một sinh viên Mỹ sang Việt Nam nghiên cứu văn học Việt Nam. 

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

Vừa qua, TS Bích Ngọc Turner xuất hiện trong “Diễn đàn châu Á 2021” với bài diễn thuyết ấn tượng về “Những tác động của xã hội và lịch sử đến văn học Việt Nam trong thế kỷ 20”. Chị đang muốn đề xuất và tạo một chương trình cử nhân về Văn hóa và Ngôn ngữ Việt Nam ở Trường đại học Washington. Hiện nay, mới có bằng cử nhân về văn học và ngôn ngữ châu Á nói chung và một chuyên ngành phụ (ở Mỹ gọi là “minor”) về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.