Ca sĩ Bách Nguyễn:

Mong hát khác với nhạc Trần Tiến

“Liều” thể hiện những ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Trần Tiến vốn đã “đóng đinh” với giọng hát của chính tác giả cùng nhiều ca sĩ tên tuổi khác, ca sĩ Bách Nguyễn (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) vừa cho ra mắt CD “Về đi em” gồm 9 ca khúc. 

Ca sĩ Bách Nguyễn.
Ca sĩ Bách Nguyễn.

Phóng viên (PV): Có ai nói anh “liều lĩnh” khi ra mắt album đầu tay này không?

Ca sĩ Bách Nguyễn (BN): (Cười) Đúng là có nhiều người nói như vậy bởi nhạc sĩ Trần Tiến thể hiện rất thành công ca khúc của mình, có chăng người hát lại cũng thuộc diện “người nhà”, như: NSND Trần Hiếu, ca sĩ Trần Thu Hà hoặc thêm nữa thì có Tùng Dương, Hà Anh Tuấn… Khi tôi hát bài “Quê nhà” thì một người em thân thiết của tôi bảo: “Sao anh “dám” hát bài của Tùng Dương”. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mỗi người có một cách hát riêng để truyền được thông điệp, tình cảm mà tác giả gửi gắm vào ca khúc. Tôi nghe các ca sĩ hát nhạc của “bố” Tiến, có những câu tôi nghĩ nếu là tôi thì tôi sẽ hát khác. Khi hát, tôi luôn cố gắng hát có học thuật nhưng cũng có gì đó rất bản năng, có sự pha trộn để tôi luôn là tôi chứ không phải ai khác. Có những ca khúc, khi thể hiện tôi bỏ kỹ thuật và đẩy cảm xúc đến tột cùng. 

PV: “Để tôi luôn là tôi chứ không phải ai khác”, dường như Bách Nguyễn có gì đó giống như nhạc sĩ Trần Tiến?

BN: Bản thân tôi là người hát đa màu sắc. Hồi học nhạc, tôi hát cổ điển; khi ở phòng trà, tôi hát nhạc trữ tình, bolero và cuối cùng âm nhạc Trần Tiến phù hợp với tôi nhất. Tôi thấy mình có nhiều nét tương đồng với nhạc sĩ Trần Tiến. Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cũng học hành dở dang, ngày nhỏ cũng từng lang thang. 16 tuổi, tôi được NSND Trần Hiếu tình cờ phát hiện khi thể hiện ca khúc “Hoa tím ngoài sân” và được nhận vào học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau này, tôi cũng như nhạc sĩ Trần Tiến, công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Mê âm nhạc Trần Tiến từ nhỏ, những giai điệu du ca đã ăn vào máu thịt tôi và với ca khúc nào của “bố” Tiến, tôi cũng cảm thấy như có mặt mình trong đó. 

Mong hát khác với nhạc Trần Tiến -0
CD “Về đi em”. 

Tôi là một người con Hà Nội. Hà Nội với nhiều người là sự tắc đường bộn rộn, nhưng với tôi, Hà Nội là sự điềm tĩnh, lặng lẽ... như một bản acoustic nhẹ nhàng. Do đó tôi hát những bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến theo phong cách Hà Nội xưa. Hát như kể câu chuyện của chính mình. Tôi yêu nhạc của ông và mong muốn được thể hiện những ca khúc của ông trong album đầu tay.

Âm nhạc của “bố” Tiến được biết đến với tính “du ca”. Sau này dù không còn “du ca” nhưng âm nhạc của ông vẫn không thay đổi, vẫn đầy phong cách lãng tử, vẫn đời và rất đời. Những sáng tác của ông không bó buộc ở một chủ đề nhất định song vẫn có điểm chung là cảm xúc chân thật và trải nghiệm sâu sắc. Tôi cũng cất giọng hát bằng tham vọng chạm đến tận cùng của trái tim.

PV: Một người “khó tính” như nhạc sĩ Trần Tiến có khi nào nhận xét về những bài hát của mình do anh thể hiện?

BN: Thật ra có nhiều điểm tương đồng như vậy nhưng tôi lại chưa từng gặp nhạc sĩ Trần Tiến ngoài đời, tuy nhiên hai “bố con” vẫn thường trao đổi qua điện thoại. Nhạc sĩ thường xuyên hỏi han và dành cho tôi một số lời khuyên bổ ích. Khi tôi gửi bài “Giấc mơ Chapi” do mình thể hiện, “bố” Tiến nói: “Hay lắm con à! Con hát nhẹ nhàng như những chàng trai cao nguyên đầy gió và mộng mơ”.

PV: Trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục cho ra mắt CD các ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến chứ?

BN: Dĩ nhiên rồi! Bên cạnh đó tôi sẽ cho ra mắt CD những ca khúc của hai nhạc sĩ khác tôi cũng rất thích là Trịnh Nam Sơn và Tô Chấn Phong. Những ca khúc của họ nhẹ nhàng, lãng đãng, lãng tử nhưng lại đầy nam tính. Tôi nghĩ ca sĩ giống như người kể lại câu chuyện của nhạc sĩ muốn truyền tải, bởi cảm xúc là chính còn âm nhạc chỉ là phương tiện.

PV: Xin cảm ơn anh!