Lan tỏa vẻ đẹp văn hóa và du lịch nơi chùa Việt

Được thành lập từ năm 2017, hiện quy tụ gần 40.000 thành viên, nhóm “Chùa Việt” đã tận dụng tính năng chia sẻ của mạng xã hội Facebook, góp phần lan tỏa các giá trị mỹ thuật, tôn giáo, khảo cổ học, di sản Hán Nôm... cùng nét đẹp nhiều ngôi chùa Việt. Quản trị viên của nhóm, nhà nghiên cứu Phật học - TS Phạm Văn Tuấn (Thiền Phong) chia sẻ với Thời Nay.

Nhiều giá trị về vẻ đẹp lịch sử, văn hóa những ngôi chùa đã được lan tỏa qua diễn đàn Chùa Việt.
Nhiều giá trị về vẻ đẹp lịch sử, văn hóa những ngôi chùa đã được lan tỏa qua diễn đàn Chùa Việt.
Lan tỏa vẻ đẹp văn hóa và du lịch nơi chùa Việt -0

Phóng viên (PV): Thưa anh, ý tưởng nào khiến anh quyết định thành lập diễn đàn văn hóa “Chùa Việt”?

TS Phạm Văn Tuấn: Vào năm 2017, nhận thấy những group tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật truyền thống… có lượng thành viên rất ít, đội ngũ nhà nghiên cứu còn hạn chế, là người nghiên cứu lịch sử Phật giáo, văn học Phật giáo, tư tưởng triết học Phật giáo, đồng thời có mạng lưới bạn bè cùng nhiều nhà nghiên cứu khắp nơi, tôi đã quyết định thành lập nhóm (group). Lúc đầu chỉ có hai quản trị viên là tôi và anh Nguyễn Đình Hưng (chuyên gia nghiên cứu về Phật giáo), sau bổ sung thêm hai quản trị viên khác là anh Phạm Vũ Lộc và Viễn Chi. Họ đều là những người am hiểu về lịch sử, văn hóa cổ truyền và kiến thức về Hán Nôm.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, lượt tương tác của giới thức trong nước và quốc tế đã dày lên trong diễn đàn. Trong tất cả các group trên mạng xã hội, “Chùa Việt” là mạng lưới có nhiều nhân sĩ về khoa học nhất cả nước. Các GS, TS ở trong, ngoài nước, hay Nhật Bản, Trung Quốc đều tham gia. 

PV: Anh cùng các quản trị viên khác đã vận hành diễn đàn như thế nào?

TS Phạm Văn Tuấn: Lập group là dễ nhưng để “sống” được là khó, đòi hỏi một nhóm làm việc hiệu quả. Nhu cầu xã hội là được tiếp nhận tri thức, cập nhật thông tin chuẩn, chính xác qua mọi hình thức. Do đó, nếu như sự tương tác của quản trị viên với các lĩnh vực của group hạn hẹp thì hiệu quả thu lại sẽ không cao.

Trong giai đoạn đầu, nhóm đã tổ chức rất nhiều buổi nói chuyện về văn hóa nghệ thuật, học thuật Phật giáo. Từ đó, các thành viên, người dân nói chung có thể tìm hiểu và đến du ngoạn, thưởng lãm nơi các chùa chiền, danh thắng nhiều hơn. Trong group “Chùa Việt”, có rất nhiều nhà tu hành, nhà nghiên cứu, góp phần tạo nên một môi trường dung hòa được đời sống của người học giả và đời sống của người hành giả để làm sao đưa được tiếng nói, đưa được các giá trị văn hóa lan tỏa đến mọi người. Đôi khi có những khoảng lặng do tình hình dịch phức tạp, tuy nhiên, diễn đàn vẫn luôn có tiếng nói tốt đóng góp cho đời sống. 

Group gần bốn vạn thành viên, có rất nhiều cái tên nổi trội, năng nổ. Nhiều vấn đề đạt tới hàng trăm, hàng nghìn bình luận. Khi những vấn đề đó xuất hiện trên diễn đàn, tiếng nói phản biện của xã hội lớn, nó tác động trực tiếp đến các cơ quan, ban, ngành văn hóa để họ đưa ra biện pháp xử lý. Bên cạnh những trao đổi, tranh biện mang tính xây dựng thì các bình luận quá khích sẽ không được chấp nhận để các thành viên đều cảm thấy được tôn trọng và đây phải là nơi trao đổi tri thức văn minh, lịch thiệp.

PV: Để một group đông thành viên như “Chùa Việt” có thể hoạt động tích cực, văn minh và ngày càng phát triển, theo anh, người quản trị viên cần hội tụ những tố chất nào?

TS Phạm Văn Tuấn: Làm “chủ” group không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ là một người quản lý đơn thuần, mà đứng ở vị trí đó phải biết cách dung hòa. Nếu như vấn đề đó không ở trong phạm vi hiểu biết của mình thì phải tìm đến các chuyên gia để giải quyết. Có như vậy, group mới có thể hoạt động lâu dài, bởi ở đó tất cả mọi người đều được tôn trọng.

Muốn một group hoạt động tốt, ba yếu tố sau đây là vô cùng quan trọng. Đầu tiên, quản trị viên phải là một người tốt, có tâm và có tài. Thứ hai, các thành viên đều phải được tôn trọng như nhau, được đón nhận các tri thức văn hóa ở group. Thứ ba, phải luôn luôn đổi mới, đem lại những giá trị mới về văn hóa, học thuật cho các thành viên.

PV: Thực tế cho thấy, trong group “Chùa Việt” có một số bài viết nhận được nhiều lượt thích, chia sẻ nhưng lượt bình luận lại tương đối hạn chế. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

TS Phạm Văn Tuấn: Nhiều nội dung được quan tâm như chùa Bái Đính, Tam Chúc hay Ba Vàng đạt lượt xem lên đến chục nghìn và hàng trăm bình luận. Bên cạnh đó, cũng có không ít những bài viết chỉ vài chục lượt xem. Do đó, những giá trị cần phải lên tiếng như trùng tu di tích, di tích bị xâm hại... thường sẽ thu hút được sự tương tác ngay lập tức. Bởi lúc đó, mọi người thấy mình cần phải lên tiếng, góp một tiếng nói cho vấn đề chung để đời sống văn hóa, xã hội được tốt đẹp hơn. Nhưng, dù ít hay nhiều lượt tương tác, các giá trị văn hóa, biểu tượng tôn giáo... đều có một sự lan tỏa nhất định đối với các thành viên. Hơn nữa, mạng xã hội đem lại hiệu ứng thị giác, nên đôi khi công chúng chỉ tiếp nhận mà không nhất thiết phải để lại bình luận. 

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

TS Phạm Văn Tuấn từng học chuyên ngành Hán Nôm, khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Anh đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong 20 năm qua, TS Phạm Văn Tuấn đã tham gia giảng dạy ở nhiều học viện Phật giáo.