Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu:

Kỷ lục đi liền trách nhiệm

Đã có năm tác phẩm được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu (ảnh), ở làng đúc đồng Trà Đông, Thiệu Trung (Thiệu Hóa-Thanh Hóa) chia sẻ với Thời Nay những câu chuyện thú vị.

Ông Châu bên một chiếc trống xác lập kỷ lục.
Ông Châu bên một chiếc trống xác lập kỷ lục.

Phóng viên (PV): Thật đáng nể khi ông có một gia tài được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam, xin ông chia sẻ về những tác phẩm này?

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu: Tác phẩm đầu tiên là trống đồng lớn nhất Việt Nam, với đường kính 2,3m được đặt ở cổng nhà tôi, cạnh đường dẫn vào làng nghề đúc đồng Trà Đông. Sau đó, là trống đồng Ngọc Lũ lớn nhất Việt Nam bằng phương pháp thủ công, xác lập lại kỷ lục, cao 1,6m, rộng 2,4m hiện đang trưng bày tại khu dã ngoại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Tôi cũng là tác giả của đôi tượng thần đèn ngồi quỳ và chiếc trống đồng hai mặt đánh kêu như trống da đã được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam. Hai hiện vật này đang được lưu giữ tại chùa Đông Sơn và Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (Thanh Hóa).

Sau đó, năm 2016, qua một cuộc thi chọn mẫu, tôi được giao trọng trách đúc 1.000 pho tượng mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách dự Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng tháng 11/2017. Tôi chính thức xác lập kỷ lục thứ năm khi đúc tượng mẹ Âu Cơ số lượng nhiều nhất.

PV: Là người con của một làng đúc đồng nổi tiếng, với những thành tích như thế, hẳn ông rất tự hào?

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu: Vâng, tôi tự hào vì mình đã cố gắng làm việc và được ghi nhận. Nhưng với việc xác lập kỷ lục như thế cũng đi liền với trách nhiệm. Tức là các kỷ lục này đặt lên vai tôi thêm trách nhiệm phải làm tốt hơn, cố gắng hơn nữa trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghề đúc trống đồng của cha ông. 

Thật ra, nghề đúc trống đồng ở Trà Đông đã có một thời gian bị mai một. Năm 1998, tôi có nghiên cứu, đi tìm hiểu để khôi phục nghề xưa, nhưng mấy lần đúc trống bị thất bại, phải đến năm 2000 mới thành công. Từ đó, tôi dạy cho nhiều anh em trong làng, rồi được các cơ quan chức năng mời mở lớp đào tạo nghề đúc trống đồng để lan tỏa và để nghề có thể phát triển. Không ít người ở nơi khác học tôi và họ cũng thành công.

PV: Ông có nói các kỷ lục đặt lên vai mình thêm trách nhiệm phải làm tốt hơn. Vậy điều đó được thể hiện như thế nào?

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu: Bố tôi khi còn sống có nói với tôi, nghề này rất quý bởi chỉ từ than, củi, rơm, rạ, đồ phế liệu, đồng nát, qua bàn tay người lao động đều sẽ trở thành sản phẩm giá trị. Tôi vâng lời bố dặn, lớn lên đi làm, lúc nào cũng gắng gỏi làm thật tốt. Trong khi làm nghề mưu sinh, tôi đã nghiên cứu và hiểu nhiều hơn về giá trị văn hóa, lịch sử của các hiện vật đồ đồng, nhất là trống. Càng nghiên cứu càng đam mê. Làm được cái nhỏ thì nghĩ đến cái lớn, làm cái dễ thì nghiên cứu thêm cái khó. Tôi nghiên cứu các loại trống đồng của người Việt cổ trước đây, từ kiểu dáng, họa tiết, hoa văn rất đẹp nhưng sẽ rất khó làm. Vì nhiều chi tiết nhỏ phải khắc họa, trong khi đó lại làm thủ công nên đòi hỏi sự kiên trì. Muốn có sản phẩm thành công, người thợ phải nghiên cứu kỹ chất đất, chất đồng, cách làm. Tôi cũng đã dạy nghề cho các con, cháu trong họ và hầu hết thành thợ lành nghề.

PV: Một sản phẩm, tác phẩm thế nào thì được gọi là thành công, thưa ông?

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu: Là khi nhìn vào đó, thấy nó thật sự thẩm mỹ, thật sự đẹp, được các nhà chuyên môn đánh giá cao, đồng thời phải tuân thủ đúng kỹ thuật đúc thủ công truyền thống. Một sản phẩm đúc đồng chất lượng không chỉ yêu cầu người làm nghề phải có tay nghề vững, trải qua một quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm cách làm khuôn, pha chế hợp chất, nấu đồng và phải tập trung cao độ để thổi hồn vào sản phẩm. Được vậy khi sản phẩm làm ra sẽ có hoa văn sắc nét, tinh xảo.

PV: Và chắc hẳn, với những sản phẩm càng lớn thì độ khó càng cao?

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu: Đúng vậy, người thợ phải làm rất giỏi các sản phẩm nhỏ, để đúc rút kinh nghiệm, đặc điểm thì mới tạo được những sản phẩm ở mức lớn kỷ lục.

PV: Ông có dự định gì trong thời gian tới, có thể là xác lập thêm kỷ lục nữa chăng?

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu: Tôi đang có dự định quy hoạch lại khu xưởng, khu bán hàng và xây dựng một khu trưng bày các hiện vật tái hiện nghề truyền thống của làng nghề xưa. Tôi muốn qua đó, du khách trong nước và nước ngoài đến thăm, sẽ hiểu hơn về nghề truyền thống Trà Đông và có được những trải nghiệm thú vị.

PV: Trân trọng cảm ơn Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu!

Sinh năm 1962, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu là con trai nghệ nhân Nguyễn Bá Xuân. Ngay từ những ngày nhỏ ông Châu đã theo bố phụ giúp những việc đúc đồng. Tình yêu nghề của ông được nhen nhóm từ thuở ấu thơ. Ông tâm sự: “Tôi có thể làm giả cổ rất giỏi, nhưng tôi không làm vì sợ bán ra thị trường, dân buôn sẽ đi lừa. Tôi không thể tiếp tay cho dân buôn bảo đồ giả cổ là đồ cổ để bán giá cao, dù nếu làm thế, tôi sẽ thu lợi rất nhiều”.