Để “kho báu mỹ thuật” là của mọi người

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa nhìn lại chặng đường sưu tầm, lưu giữ và trưng bày các tác phẩm của nền mỹ thuật nước nhà nhân kỷ niệm 55 năm thành lập. Giám đốc bảo tàng - TS Nguyễn Anh Minh chia sẻ với Thời Nay về những hướng đi trong thời kỳ mới.

Một hoạt động trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Một hoạt động trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Để “kho báu mỹ thuật” là của mọi người -0
 

Phóng viên (PV): Xin ông điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển bảo tàng?

TS Nguyễn Anh Minh (TS NAM): Ngày 24-6-1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan. Đây là mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển ngành di sản văn hóa và mỹ thuật Việt Nam. Suốt 55 năm qua, bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ được gần 20 nghìn tài liệu, hiện vật và tác phẩm mỹ thuật, phản ánh cơ bản sự phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Nhiều tác phẩm là niềm tự hào trong cuộc đời nghệ thuật của các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc như: sưu tập tác phẩm của các tác giả được đào tạo tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, sưu tập tranh sơn mài, sơn dầu, lụa; những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Trong số này có 9 bảo vật quốc gia, bao gồm ba tác phẩm mỹ thuật cổ và sáu tác phẩm mỹ thuật hiện đại.

Đặc biệt trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, di sản mỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức thì các bậc tiền bối đã đưa về “ngôi đền thiêng” của mỹ thuật Việt nhiều tác phẩm đặc biệt giá trị. Không chỉ tác phẩm ở các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà ở rất nhiều địa phương cũng in dấu chân họ, để bộ sưu tập của bảo tàng có được những tác phẩm đỉnh cao.

PV: Những khó khăn khi bảo tàng phải quản lý số lượng tài liệu, hiện vật và tác phẩm đồ sộ như vậy?

TS NAM: Nguồn kinh phí cho việc sưu tầm các tác phẩm khá eo hẹp, khiến nhiều tác phẩm quý, có giá trị lịch sử vẫn chưa thu thập được. Công tác lưu giữ, bảo quản cũng đang là mối lo bởi khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm cao, diện tích và thiết bị hạn chế, trong khi số lượng lớn các tác phẩm tranh, tượng đòi hỏi chế độ bảo quản nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, không gian trưng bày cũ, diện tích nhỏ chưa đáp ứng được hạ tầng cho những sự kiện mỹ thuật lớn, nhất là mảng trưng bày mỹ thuật đương đại.

PV: Vậy bảo tàng đã có những “bước chuyển” ra sao để hội nhập trong thời kỳ công nghệ số đang phát triển?

TS NAM: Chuyển đổi số là công cuộc sống còn. Chúng tôi đã cho ra mắt Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện - iMuseumVFA được tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR và thiết bị định vị iBeacon. Khi quét mã QR code gắn cạnh tác phẩm, hoặc chọn đánh số tác phẩm trên hệ thống, khách sẽ được xem hình ảnh, thông tin về tác phẩm dưới dạng bài viết và bài đọc. Sự hỗ trợ của tám ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Ý và Tây Ban Nha), iMuseumVFA không chỉ giúp khách tham quan trực tiếp mà còn giúp công chúng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có thể tiếp cận. 

Bảo tàng cũng đang triển khai dự án “Xây dựng thư viện điện tử”, quản lý số các tài liệu hiện vật, số hóa từng bước các tài liệu hiện vật để sắp tới cho ra mắt bảo tàng số 3D, giúp khách tham quan trải nghiệm không gian trưng bày của bảo tàng, nhất là trong giai đoạn mọi hoạt động bị hạn chế do dịch Covid-19. 

PV: Định hướng trong thời gian tới để Bảo tàng phát huy hơn nữa vai trò của mình là gì thưa ông?

TS NAM: Mỗi năm Bảo tàng đón tiếp hơn 60 nghìn lượt khách tham quan và hàng nghìn lượt học sinh tới trải nghiệm. Từ năm 2011, Bảo tàng đã mở cửa Không gian sáng tạo cho trẻ em. Ngoài hệ thống trưng bày thường xuyên, Bảo tàng còn tổ chức các triển lãm chuyên đề và trưng bày lưu động; luôn đồng hành với các sự kiện lịch sử của đất nước, với các hoạt động trưng bày tư liệu, hình ảnh và tác phẩm liên quan đến những hoạt động trọng đại như bầu cử, ngày kỷ niệm Quốc khánh, Giải phóng miền Nam và các sự kiện kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhiều triển lãm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện tại bảo tàng, góp phần tạo ra sự sôi động trong hoạt động nghệ thuật giai đoạn hiện nay.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên môn của bảo tàng. Mở rộng diện tích trưng bày; đổi mới, nâng cấp, chỉnh lý nội dung trưng bày; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, các chương trình nghiên cứu chuyên sâu dành cho công chúng và hướng dẫn viên tương lai. Trong vài năm tới, sẽ hình thành Trung tâm Mỹ thuật đương đại, trưng bày và tổ chức các hoạt động tôn vinh những tác phẩm nghệ thuật tạo hình mới, xuất sắc của các tác giả trong và ngoài nước. Cùng với đó, kết nối với các bảo tàng nghệ thuật quốc tế, giới thiệu mỹ thuật Việt Nam và ngược lại. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; đào tạo đội ngũ cán bộ bảo tàng trở thành các chuyên gia trong các lĩnh vực tu sửa, bảo quản, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật và bảo tàng học...

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành điểm tham quan giúp công chúng có cái nhìn đa chiều về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Và là địa chỉ tin cậy cho giới nghiên cứu mỹ thuật, học sinh, sinh viên đến khai thác, học tập; tiếp sức và tạo động lực cho các nghệ sĩ tạo hình sáng tạo, nuôi dưỡng lòng tự hào, tự tôn dân tộc… Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là nơi hấp dẫn của du khách, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!