Cố gắng tìm cho mình một lối đi riêng

Là một trong các họa sĩ trẻ của nghệ thuật đương đại, Quách Bắc (sinh năm 1988) có sự nhiệt huyết, dấn thân, lại có bản lĩnh của một tư chất độc lập, không chạy theo các trào lưu, xu hướng đang thịnh hành. Có thể đó chính là lý do Young Talent (một chương trình tìm kiếm tài năng trẻ) của Malaysia đã chọn Quách Bắc làm người chiến thắng trong dự án của họ…

Cố gắng tìm cho mình một lối đi riêng

Phóng viên (PV): Anh là một trong số các họa sĩ trẻ liên tiếp có các triển lãm nhóm và cá nhân hằng năm. Tháng 8 năm ngoái anh đã có triển lãm “Rơi vào đường chân trời” và bây giờ, ngày 15-6 sẽ khai mạc triển lãm mang tên “Phong cảnh ướt” tại Blue gallery 28 Tràng Tiền. Từ “Rơi vào đường chân trời” tới “Phong cảnh ướt” lần này, có thay đổi gì ở Quách Bắc không?

Họa sĩ Quách Bắc (QB): Khi quan sát điều gì đó, bạn cần một khoảng cách, với chính tôi nhìn lại công việc và bản thân mình luôn là việc khó khăn. Tôi có thể nhìn thấy mình bên trong tác phẩm. Khoảng cách giữa hai cuộc triển lãm là khá ngắn, các tranh vẽ của tôi trong triển lãm “Phong cảnh ướt” khai mạc ngày 15-6 này lại được thực hiện trước các tranh vẽ trong triển lãm “Rơi vào đường chân trời” trưng bày tháng 8 năm trước. Có lẽ đó là một xáo trộn, tôi không biết các nghệ sĩ khác có thường gặp tình huống như vậy? Hai triển lãm là hai cách khai thác khác nhau xoay quanh những kinh nghiệm của tôi về cuộc sống, những địa điểm tôi đã sống, đã đi qua và những gì địa điểm này ghi dấu lên sáng tác của tôi. Nếu như “Rơi vào đường chân trời” là những ẩn dụ về thân phận con người mang hơi hướng bi kịch, thì ở “Phong cảnh ướt” tôi muốn gieo vào lòng người xem nhiều tra vấn, liên tưởng và mơ mộng về thiên nhiên và nhân tạo.

Cố gắng tìm cho mình một lối đi riêng ảnh 1

Bức tranh “Sự cố ở chân trời 2” (Sơn dầu 120 x 100 cm) của Quách Bắc.

PV: Anh được coi là một nghệ sĩ đương đại khá đặc biệt. Trẻ, độc lập, luôn tìm tòi một lối đi riêng cho mình. Anh không sợ rằng, cứ như thế mình sẽ cô đơn sao?

QB: Trong nghệ thuật, tôi không có thói quen đi cùng đường, vì người ta thường nói đi cùng đồng nghĩa với việc đi lại. Cho nên tôi luôn cố gắng tìm cho mình một lối đi riêng, trên con đường vốn đã chật hẹp và ngày càng chật hẹp hơn trong thế giới nghệ thuật rộng lớn này. Và nếu thất bại tôi phải chấp nhận mình là kẻ bất tài. Tôi không nghĩ rằng đi một mình là cô đơn, vì bên ngoài kia có biết bao nhiêu nghệ sĩ trẻ cũng đang tìm cho mình một hướng đi? Và cách chúng ta hiểu về cô đơn liệu có giống nhau? Cô đơn nghĩa là bạn đang cần đến người khác? Vậy nếu tôi có thể vui vẻ với một mình, với không ai cả? Một bông hoa nở trong rừng sâu không có ai tán thưởng nó, không ai biết đến hương thơm của nó, không ai buông ra lời bình luận và nói đẹp lắm. Nó vẫn nở hoa, hương thơm của nó vẫn lan tỏa theo gió đến không địa chỉ nào.

PV: Không chọn cái đèm đẹp để được lòng khán giả, vậy anh tìm cách nào để tiếp cận được với các nhà sưu tầm, với công chúng rộng rãi?

QB: Tôi không chọn cách làm hài lòng khán giả bằng việc thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của họ, hay chạm vào sự nhạy cảm của họ bằng các mánh khóe thị giác. Thay vào đó tôi khơi gợi cho họ một vài thắc mắc, băn khoăn hay nghi vấn, để họ có thể tham gia vào tác phẩm, để họ có thể nói về nó, nghĩ ngợi về nó nhiều hơn. Và đôi khi họ trở thành một phần của tác phẩm. Tôi nghĩ rằng tác phẩm nào cũng có khán giả của nó mà thôi. Người nghệ sĩ nên tập trung làm tốt nhất công việc của mình và những điều còn lại sẽ đến sau?

Các nghệ sĩ trẻ nói chung và họa sĩ trẻ nói riêng, hay biểu đạt các suy tư, trăn trở về xã hội trong tác phẩm. Anh thường gửi gắm gì qua tác phẩm của mình?

QB: Lịch sử chỉ cho chúng ta rằng mọi đối tượng của nghệ thuật đều mang tính thời điểm, giai đoạn, hữu hạn và chóng qua. Tùy thuộc vào bối cảnh của mỗi thời kỳ mà chủ đề nào trở nên chiếm ưu thế. Nếu như các thế hệ trước mải mê đi tìm vẻ đẹp thuần túy của hội họa trong những cánh đồng hoa nở hay trong tranh thủy mặc, thì các nghệ sĩ đương đại ngày nay hơn bao giờ hết tiếp cận trực tiếp với hiện thực, phản ánh nó và can thiệp vào nó. Cách thực hành nghệ thuật dựa trên khảo sát và nghiên cứu đang dần trở nên phổ biến tại Hà Nội. Cái cơ thể đơn tuyến trong nghệ thuật đã được tháo dỡ, người nghệ sĩ hôm nay không chỉ thực hiện riêng lẻ từng loại hình nghệ thuật mà họ còn trộn lẫn nhiều loại hình nghệ thuật với nhau. Thí dụ đưa các yếu tố phi hội họa như trình hiện, hành vi vào nghệ thuật tạo hình, đưa thị giác vào thơ ca, sao chép và lập lại thay vì sáng tạo...

Vai trò của nghệ thuật cũng đã thay đổi, nghệ thuật hôm nay - vai trò của nó gắn rất gần với giáo dục và trách nhiệm xã hội. Ngày hôm nay người nghệ sĩ không cần trực tiếp làm ra tác phẩm của mình nữa, mà thông qua các cơ sở sản xuất công nghiệp, hay các phương tiện truyền thông phổ cập, sẵn dụng như máy ảnh, máy tính, video, internet… Khoa học kỹ thuật phát triển giúp người nghệ sĩ khỏi phải nắm giữ những kỹ năng, tay nghề bậc thầy. Đó là các nghệ sĩ được coi là tiến bộ và đang chiếm lĩnh hầu hết các diễn đàn nghệ thuật thị giác khắp nơi. Trước kia, khi học trong trường mỹ thuật, tôi đóng khung nghệ thuật của mình trong nghệ thuật hiện đại. Say sưa tìm kiếm các biểu đạt về mầu sắc cũng như tính tạo hình. Trong những năm ấy, chủ đề chỉ xoay quanh các vấn đề cá nhân như: sự ưu tư hay dằn vặt nội tâm. Sau khi hiểu biết và nhận thức về nghệ thuật tăng lên, cũng như được ra ngoài và tiếp xúc nhiều hơn, thẩm mỹ của tôi cũng dịch chuyển. Không chỉ còn đắm chìm trong những cảm xúc cá nhân nữa, tôi bắt đầu hướng tới các vấn đề của xã hội, thời sự. Thân phận con người trong bối cảnh mà các quy luật thị trường toàn cầu hóa đang xóa nhòa đi căn tính. Văn hóa và các phong trào xã hội trở nên yếu thế trước chủ nghĩa tiêu dùng.

PV: Vậy theo anh đâu là thế mạnh và hạn chế của họa sĩ thế hệ đương thời với thế hệ thành danh sau này?

QB: Tôi cho rằng mỗi thế hệ đều có vấn đề của riêng họ, xã hội đã khác xưa, vì thế vấn đề cũng phải khác chứ! Tôi luôn tin rằng những thế hệ đi trước đã sống nhiều cuộc đời thương khó, họ có thể đã phải đối diện với những khó khăn vất vả về vật chất, thiếu thốn thông tin. So với họ, chúng tôi hôm nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về thông tin, cơ sở hạ tầng cũng như về mặt xã hội. Nhưng chúng tôi phải đối diện với những thách thức mới như là sự thay đổi và quên lãng quá nhanh, khủng hoảng dư thừa thông tin, chủ nghĩa tiêu dùng, lối sống duy vật chất và thực dụng của con người hiện đại...

Thật khó để so sánh hay để nói về cuộc sống mà tôi chưa từng trải qua. Không thể đòi hỏi một người diễn tả bi kịch mà anh ta chưa hề nếm trải? Cuộc sống luôn là sự tiếp nối. Ngày hôm nay là tương lai của ngày hôm qua và sẽ là quá khứ của ngày mai. Chẳng mấy chốc chúng tôi sẽ già đi và không thể hiểu những gì đang diễn ra. Vì khi tuổi già đến người ta chỉ tin vào các giá trị đã được xác lập. Hy vọng tôi không bị già quá nhanh để không thể chấp nhận những gì đến sau.

Anh còn có những dự định gì cho tương lai?

QB: Tôi đang chuẩn bị cho một dự án mới. Đó là hành trình khám phá và tái hiện quá khứ về miền quê của tôi, một làng chài nhỏ ven bờ sông Đáy. Tôi muốn kể lại các câu chuyện và giai thoại vùng đất này thông qua những gì mình được nghe từ người khác bằng ngôn ngữ của thị giác (hội họa, sắp đặt, điêu khắc hay văn bản). Hy vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm tới.

Trân trọng cảm ơn họa sĩ Quách Bắc!