Cổ điển cũng cần đẹp!

Lâu nay nói đến nhạc cổ điển, yếu tố nghệ thuật, hay chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu trong khi các yếu tố như ngoại hình, sắc đẹp lại ít khi được bàn đến. Nhưng trong thực tế, phần “nhìn” cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong mảng âm nhạc thường được gọi là “bác học” này. Thời Nay đã có cuộc trao đổi với Ths, nghệ sĩ piano (pianist) Trần Mai Hồng (trong ảnh) chung quanh câu chuyện này.

Cổ điển cũng cần đẹp!

Phóng viên (PV): Theo chị, yếu tố ngoại hình đóng góp bao nhiêu phần trăm để tạo nên sức hút của một pianist nói riêng và một nghệ sĩ cổ điển nói chung.

Ths Trần Mai Hồng (TMH): Ở đây có hai vấn đề cần phải làm rõ: Thứ nhất, pianist đẹp nhất khi ngồi trên cây đàn piano, hay nói một cách khác thì cây đàn piano có khả năng tôn vinh sắc vóc của người phụ nữ rất hiệu quả. Rất nhiều các bậc cha mẹ, đều thích nhìn con mình ngồi chơi đàn piano, đặc biệt những ai có con gái lại càng thích điều này. Nhưng sức hút lớn nhất của pianist theo quan điểm của tôi nằm ở đôi tay trước tiên chứ không phải gương mặt. Trong hơn 25 năm gắn bó, học tập và biểu diễn với cây đàn piano tôi chưa bao giờ gặp một pianist nào… sơn móng tay. Đôi bàn tay mềm mại lướt trên từng phím đen trắng của cây đàn piano có sức cuốn hút đặc biệt mà không bất kỳ một loại trang sức nào có thể thay thế được.

Thứ hai, ngoại hình, ở đây có thể là khuôn mặt đẹp hoặc một vóc dáng chuẩn của pianist chỉ góp phần tạo ra sức hút chứ không đóng vai trò hạt nhân. Trong lĩnh vực nhạc cổ điển, tài năng và trình độ vẫn là yếu tố hàng đầu. Bà Martha Agerich là một trong những pianist vĩ đại nhất thế giới lúc trẻ cũng rất đẹp, nhưng người ta chú ý đến bà trước tiên ở những ngón đàn điêu luyện, thần thái của người nghệ sĩ và khả năng trình diễn tạo cảm hứng, động lực cho cả khán phòng. Và bản thân tôi cũng chỉ để ý đến bà đẹp khi cầm trên tay đĩa CD có hình Martha Agerich. Đẹp có thể giúp cho người pianist dễ tiếp cận với khán giả hơn, còn chất lượng mới là điều giữ họ ở lại với nghệ thuật.

PV: Hiện nay trên thế giới cũng đã có nhiều pianist chơi đàn rất cừ nhưng cũng rất chau chuốt ngoại hình, thậm chí ăn mặc tương đối gợi cảm. Chị suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

TMH: Đã có những ý kiến cho rằng, các pianist ăn mặc gợi cảm, có phong cách trình diễn bùng nổ nhằm tạo ra sức hút cho dòng nhạc vốn đề cao tính hàn lâm, mô thức. Nhưng theo suy nghĩ của tôi, pianist luôn là chính mình, luôn thành thực nhất khi ngồi trên cây đàn, lúc đó sự quan tâm của họ chỉ dành cho nghệ thuật, những tác giả, tác phẩm họ sẽ trình tấu. Một điều khá thú vị ở đây là trang phục của pianist thường cũng nói lên rất nhiều điều về con người của họ, giống như… nét chữ và nét người vậy. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi có thể phán đoán ra được phần nào phong cách trình diễn của một pianist, nhất là pianist nữ khi nhìn vào trang phục mà họ sẽ biểu diễn.

Đơn cử, nếu pianist ăn mặc tương đối cầu kỳ thì họ có thể trình tấu những tác phẩm sẽ có những đoạn trưng trổ kỹ thuật cao, và tiếng đàn sẽ được chau chuốt trong từng chi tiết nhỏ nhất. Ngược lại, những pianist ăn mặc sang trọng nhưng đơn giản, tinh tế lại chọn cách chơi có phần “bác học” đề cao yếu tố nội tâm. Cũng phải nói thêm, việc chọn trang phục cũng khá áp lực cho các pianist vì thường là trang phục đơn màu, với các màu như trắng, đen, vàng, xanh và cả một buổi thì cũng chỉ mặc một bộ mà thôi. Mặc dù trình tấu piano chú trọng phần nghe, nhưng người nghệ sĩ khi tôn trọng khán giả cũng phải muốn có bộ trang phục đẹp nhất.

PV: Ngoài trang phục, ngoại hình, gương mặt…, liệu còn yếu tố nào có thể giúp cho pianist đẹp hơn?

TMH: Trong quá trình giảng dạy của mình, cũng có các bậc cha mẹ khi đưa con gái đến học ngoài những kỳ vọng về chuyên môn, họ cũng mong con mình sẽ có thái độ đoan trang, ăn nói nghiêm túc, nhất là học piano cổ điển. Thành thực mà nói, không chỉ trong piano, mà tất cả các lĩnh vực khác, cái đẹp phải xuất phát từ tâm hồn, mà ở đây là sự chân thành, nghiêm túc. Thú thực là tôi cũng rất thích học trò mình là các bé gái xinh xắn, nhưng khi dạy điều tôi luôn nhấn mạnh là đã ngồi lên đàn thì phải tôn trọng người nghe, tôn trọng tác phẩm, tác giả. Bạn có thể chơi đàn không hay, không giỏi, nhưng thái độ nghiêm túc và chân thành sẽ tạo ra thiện cảm, mà những yếu tố này một người bình thường, không có chuyên môn cũng cảm nhận được. Sau khi các bé hiểu được điều này, tôi mới tiếp tục truyền thụ về mặt kỹ thuật, chẳng hạn sử dụng cánh tay, cổ tay như thế nào để các phần chạy ngón nhìn vừa điêu luyện, nhưng cũng tiết kiệm sức lực. Rồi thần thái khi biểu diễn phải như thế nào để vừa bảo đảm bộc lộ được cá tính, nhưng cũng tôn trọng khán giả. Tâm hồn đẹp sẽ bộc lộ bằng thái độ chân thành, và đó là điều đẹp nhất của một người nghệ sĩ.

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!