Viết sách để bạn đọc hiểu cách Việt Nam chống dịch

Trong số những kiều bào về quê tránh dịch Covid-19, có TS tâm lý học Cù Thu Hương - con gái PGS, NGƯT Cù Đình Tú - nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Trong những ngày ở Việt Nam, chị đã kịp viết xong cuốn truyện ký đầu tay “Paris+14” ghi lại những trải nghiệm bản thân về đại dịch Covid-19.

TS Cù Thu Hương.
TS Cù Thu Hương.

Phóng viên (PV): Nhiều người tò mò muốn biết vì sao chị viết cuốn truyện ký “Paris+14”?

TS Cù Thu Hương (CTH): Có thể nói ngắn gọn, đó là vì Covid-19! Ăn Tết Canh Tý ở Hà Nội xong tôi ra sân bay trở về Pháp. Ngay sau đó, những tin tức dồn dập về Covid-19 khiến tôi cảm thấy bất an, lo lắng. Đến ngày 14-3, tôi quyết định rời nước Pháp trên chuyến bay thương mại cuối cùng của Hàng không Việt Nam. Hai ngày sau, tôi có đăng trên facebook bài ký sự đầu tiên về cuộc “hoảng loạn” của tôi tháo chạy khỏi kinh đô ánh sáng. Ngay sau đó, bài viết được nhiều người quan tâm, với nhiều bình luận, chia sẻ. Rất nhiều bạn đọc đề nghị tôi viết tiếp, kể tiếp… Trong thời gian 14 ngày thực hiện cách ly tôi đã viết và đăng trên trang facebook của mình sáu phần và một bài thơ. Tôi muốn ghi lại những sự kiện, chen lồng cảm xúc của tôi về những thời khắc đó như những trang nhật ký cho riêng mình và bạn bè.

PV: Nhưng từ việc chia sẻ những trải nghiệm trên mạng xã hội đến khi hình thành tập sách dày tới 300 trang, với 12 phần, là một chặng đường khác. Điều gì thôi thúc chị, từ chỗ viết “như những trang nhật ký cho riêng mình” lại xuất bản truyện ký về đại dịch Covid-19?

CTH: Thời điểm đó, nhiều bạn đọc chờ đợi những bài đăng của tôi, cứ cách vài ngày là lại thấy có người nhắn tin hỏi, họ rất muốn biết các thông tin trong khu cách ly, muốn biết cuộc sống của những người trong khu cách ly. Có thể lúc đó, có quá nhiều thông tin trái chiều nên ai cũng muốn những thông tin từ chính người trong cuộc. Có lẽ tính cách ngay thẳng, ghét giả dối được bố mẹ tôi là hai bậc lão thành trong ngành giáo dục ngấm trong tôi từ khi còn rất bé, cho nên tôi đã ghi lại chuẩn xác những gì xảy ra tại ngôi nhà chung 14 ngày của chúng tôi. 

Trên mạng xã hội, nhiều bạn đề nghị tôi đăng những bài này trong một số tờ báo để lan tỏa tới đông đảo bạn đọc quan tâm, vì theo ý kiến của họ, những bài viết của tôi sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Việt Nam đã chống dịch Covid-19 như thế nào, cần được lan tỏa để cho tất cả đều được biết.

Chính vì nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc, quen lẫn không quen, nhiều người muốn tôi viết tiếp, kể nhiều chuyện hơn, nên tôi quyết định hoàn thành bản thảo tập truyện ký “Paris+14”. Những phần sau của cuốn sách được tôi viết tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Có thể nói, chính bạn đọc đã thôi thúc tôi viết cuốn sách này. Tiếp đó là sự động viên, khích lệ của các nhà văn, nhà thơ như Y Ban, Hữu Việt… cũng như các anh chị ở NXB Hội Nhà văn đã giúp tôi rất nhiều trong việc xuất bản cuốn sách.

PV: Qua truyện ký “Paris+14”, chị mong muốn điều gì?

CTH: Tôi muốn ghi lại bức tranh về đại dịch để cho mọi người có thể mường tượng được một cách tổng thể nạn dịch lần này. Qua đó gửi gắm thông điệp con người phải luôn đồng hành, nhân văn giữa con người với con người và nhân văn giữa con người với thiên nhiên. Đồng thời, tôi cũng hy vọng, những thông tin trong cuốn sách sẽ tạo nên một bức tranh toàn cảnh về nạn dịch chưa có hồi kết, sẽ giúp ích được mọi người hiểu rõ một điều: Chỉ có đoàn kết mới có thể cùng nhau vượt qua nạn dịch và quê hương là nơi mà ta có thể quay về bất cứ lúc nào cho nên ta phải trân quý giá trị đó.

Tôi cũng có dự định sẽ dịch cuốn sách ra tiếng Anh, tiếng Pháp để độc giả thế giới có thể hiểu hơn về công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn chị!

TS Cù Thu Hương sinh năm 1963 tại Hà Nội. Tốt nghiệp đại học và nhận bằng TS tâm lý học tại Trường đại học Tổng hợp Leningrad (nay là thành phố Sankt-Peterburg - Nga) năm 1991. Hiện chị là Giám đốc thương mại và thời trang tại Pháp. Chuyên gia tư vấn tâm lý. 

Cuốn sách “Paris+14” là tác phẩm đầu tay của chị, do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Sách gồm 12 phần: Bóng tối đang dần nuốt chửng kinh đô ánh sáng, Sân bay trong mây, Đất mẹ, Ngôi nhà chung…