Tính toán cẩn thận hơn về cây cầu mới

Hà Nội sắp có thêm cây cầu bắc qua sông Hồng. Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Càng vui hơn khi cây cầu mới này mang tên danh tướng Trần Hưng Đạo. 

Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo của TEDI.
Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo của TEDI.

1/Theo Tờ trình của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng, cầu Trần Hưng Đạo nằm vào khoảng giữa hai cây cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Phía Nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Ở phía Bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía Tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (QL 5A). Theo thiết kế, tổng chiều dài tuyến (bao gồm cầu và đường dẫn hai đầu) khoảng 5,5 km qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Công trình vĩnh cửu, kết cấu bê-tông cốt thép dự ứng lực, thép và dây văng; khổ thông thuyền sông cấp II, tĩnh không đường chui dưới cầu 4,75 m.

2/Ngay sau khi những phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo được công bố, trên nhiều diễn đàn xôn xao bàn luận. Lần này, không chỉ người dân bày tỏ, mà ngay cả giới kiến trúc sư (KTS) cũng nêu quan điểm nghề nghiệp. Ủng hộ Hà Nội xây thêm cầu mới, nhưng các ý kiến tập trung phân tích những bất cập mà phương án kiến trúc được trình lên UBND TP Hà Nội để phê duyệt.

Theo đó, một công trình kiến trúc mới có tác động đến kiến trúc, cảnh quan của Hà Nội, đồng thời công trình này lại là công trình “vĩnh cửu”, “đi cùng thời gian”, vậy mà không hề tổ chức thi tuyển phương án thiết kế. Cả ba phương án đều do Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đề xuất. Để “so bó đũa, chọn cột cờ”, một hội đồng tuyển chọn với 15 thành viên được lập ra, nhằm chấm điểm cho ba phương án thiết kế. Kết quả, phương án 1 và phương án 2 chỉ có 1/15 thành viên hội đồng lựa chọn, số điểm lần lượt là 1.140 điểm và 1.137 điểm. Còn phương án 3 được 13/15 thành viên hội đồng lựa chọn với 1.261 điểm. Và, phương án cao điểm nhất được trình UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc.

Các KTS đang băn khoăn, liệu có vội vã quá không? Bởi theo Luật Kiến trúc, đối với công trình quan trọng của thành phố thì phải thành lập các cuộc thi. KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam nhấn mạnh, đây là công trình đặc biệt, nằm trong quy hoạch được duyệt, nên cần phải thi tuyển kiến trúc với nhiều tổ chức tư vấn kiến trúc có uy tín tham gia chứ không phải là cuộc “tuyển chọn” với vài ba phương án do một đơn vị tư vấn lập.

3/Đó là chưa kể, về mặt thiết kế kiến trúc, cầu Trần Hưng Đạo bộc lộ sự lắp ghép, không thể hiện được sự năng động, phát triển, hội nhập của Thủ đô, đồng thời cũng không có ngôn ngữ nghệ thuật nào liên quan tới danh tướng Trần Hưng Đạo - vị Anh hùng dân tộc được chọn để đặt tên cho cây cầu mới này. Cũng có ý kiến nêu ra, cái gọi là phong cách kiến trúc “xứ Đông Dương” như ở phương án 3 được trình lên TP Hà Nội không hề có trên “bản đồ” nghệ thuật kiến trúc mà chỉ có phong cách kiến trúc Đông Dương do KTS người Pháp Ernest Hebrard sáng lập…

Xây dựng một cây cầu thông thường đã là việc hệ trọng đối với một làng, một bản, một vùng đất… Đối với Thủ đô Hà Nội, việc xây dựng một cây cầu mới càng có ý nghĩa quan trọng. Ấy là chưa kể kinh phí dự toán cho việc xây cầu này lên tới gần 9.000 tỷ đồng. 

Với Hà Nội, cây cầu, bên cạnh việc tạo thuận lợi và an toàn cho giao thông, thì vấn đề thẩm mỹ, kiến trúc là cực kỳ quan trọng. Chưa kể, Thủ đô đã có những cây cầu đẹp như Long Biên, Nhật Tân… Vậy nên, cầu Trần Hưng Đạo sắp được xây dựng rất cần phải được cân nhắc thận trọng, kỹ càng để làm sao có được một công trình kiến trúc có thiết kế mỹ thuật xứng đáng cho thế hệ sau!