Tiếp biến cùng “Khí phách uy mãnh”

Những người yêu nghệ thuật hiện đại, nhưng vẫn nặng lòng với văn hóa truyền thống có thể tìm thấy điều mình muốn tại triển lãm “Khí phách uy mãnh”. 

Tranh hổ của họa sĩ LÊ TRÍ DŨNG.
Tranh hổ của họa sĩ LÊ TRÍ DŨNG.

Tại tòa nhà Asia Tower số 6 Nhà Thờ (Hà Nội) đang diễn ra triển lãm mỹ thuật “Khí phách uy mãnh”-một sự kiện thuộc chương trình thường niên “Con giáp của tôi” do tạp chí Xưa & Nay cùng Hội quán Di sản phối hợp tổ chức. 

“Thưởng” tranh Hàng Trống tại phố Hàng Trống

Đúng như cái tên, triển lãm lần này “trình làng” các tác phẩm nghệ thuật về hổ để chào đón năm Nhâm Dần sắp tới. Xuất hiện đầu tiên tại không gian trưng bày là bộ sưu tập gốm chủ đề hổ của nghệ nhân Nguyễn Văn Toán, hay “Toán đầu Ô”-người mà theo lời nhà sử học Dương Trung Quốc, tài giỏi nhưng thích “ẩn danh”, và chỉ làm những sản phẩm “độc bản”. Nhà sử học từng chia sẻ rằng, mình luôn ao ước được đến nhà “anh Toán” để “nhặt” những tác phẩm có một không hai của ông về, làm giàu cho bộ sưu tập gốm của mình. 

Tiếp theo là các tác phẩm hội họa về hổ của họa sĩ Lê Trí Dũng và họa sĩ, nhà thiết kế Nguyễn Minh Ngọc. Tranh của họa sĩ Lê Trí Dũng níu chân được rất nhiều người xem, bởi ai cũng tò mò xem con hổ của người vẽ ngựa đẹp nhất nhì Việt Nam trông sẽ ra sao. Số người hứng thú với các bức họa phục dựng từ tranh Hàng Trống của họa sĩ Nguyễn Minh Ngọc cũng không ít, vì sự kết hợp hài hòa giữa mỹ thuật truyền thống và hiện đại. “Khó nhất khi phục dựng tranh Hàng Trống, là phải nghiên cứu rất nhiều tích và phong cách tạo hình khác nhau của tranh. Sau đó, phải cân nhắc xem nên kế thừa và cải thiện điều gì. Cuối cùng, tác giả phải để lại được dấu ấn về tính cách của mình trong bức tranh”, họa sĩ Minh Ngọc chia sẻ. 

Nhà nghiên cứu Vũ Thế Long nhận xét, tác phẩm gốm của nghệ nhân “Toán đầu Ô” và tranh của họa sĩ Minh Ngọc dù rất mới mẻ, hiện đại nhưng không đánh mất hồn cốt của văn hóa dân gian. Điều này rất có giá trị trong việc quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam ra nước ngoài. “Tôi rất vui và cảm kích khi được chiêm ngưỡng tranh Hàng Trống ở ngay phố Hàng Trống”, ông Vũ Thế Long cười.

Một điểm nhấn khác ở buổi triển lãm là những sản phẩm phái sinh lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống, được gọi là linh phù. Chúng nhỏ gọn, có thể dùng làm móc chìa khóa, mặt dây chuyền, huy hiệu… để mang lại may mắn bình an cho người sử dụng. Với Hội quán Di sản, việc thương mại hóa các sản phẩm này là một hình thức bảo tồn văn hóa dân gian mới mẻ và hiệu quả. 

“Sau một chu kỳ 12 năm, chương trình “Con giáp của tôi” sẽ lại quay trở về với những con giáp cũ. Nhưng nước ta thì đã có lịch sử hàng nghìn năm; và chưa kể những cái mới có thể xuất hiện sau mỗi chu kỳ đó. Chẳng hạn, năm nay chúng tôi nhấn mạnh hổ trong tranh Hàng Trống, 12 năm sau chúng tôi sẽ khai thác tượng hổ trong lăng Trần Thủ Độ. Tôi tin đề tài 12 con giáp là không có giới hạn,” nhà thiết kế Trần Thanh Tùng, người sáng lập Hội quán Di sản cho biết.

Gắn chặt, nhưng không cột chặt mình vào di sản

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ngoài mục đích chào xuân, vui Tết, “Khí phách uy mãnh” là nỗ lực để phát huy và lan tỏa giá trị của các di sản văn hóa dân gian tới cộng đồng. Muốn làm được điều này, chúng ta cần tin tưởng đặt trọng trách này vào tay thế hệ trẻ, ông nhấn mạnh. 

“Chúng ta không nên đánh giá thấp khả năng cảm thụ văn hóa truyền thống của giới trẻ. Ở Hội quán Di sản có những nghệ sĩ trẻ rất tài năng. Họ đã làm được nhiều sản phẩm chất lượng cao, được Nhà nước dùng làm quà tặng cho các lãnh đạo cấp cao nước ngoài như Tổng thống Mỹ, Nhật hoàng…, hay phục dựng thành công những tác phẩm nghệ thuật dân gian theo phong cách hiện đại như Minh Ngọc. Thế hệ trẻ có rất nhiều tiềm năng, họ chỉ cần thêm sự ủng hộ và động viên để vươn xa hơn”.

Nhưng ủng hộ, động viên như thế nào? Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, chúng ta phải tạo ra được một môi trường cho thế hệ trẻ phát triển lành mạnh và sáng tạo cùng với văn hóa truyền thống. Cụ thể, ông mong Nhà nước sẽ có thêm các chính sách khích lệ để tạo điều kiện cho những triển lãm quy mô, hoành tráng hơn được tổ chức. Ngoài ra, những người trực tiếp làm văn hóa như văn nghệ sĩ, sử gia, nhà nghiên cứu… cũng cần tích cực tổ chức các sự kiện và chương trình văn hóa, không nên thụ động chờ hay ỷ lại vào Đảng và Nhà nước.

“Về phía các nghệ sĩ trẻ, tôi khuyên các bạn hãy gắn chặt, nhưng đừng cột chặt mình vào văn hóa truyền thống. Nghĩa là phải thấm nhuần, tôn trọng và không bao giờ loại bỏ hồn cốt dân tộc ra khỏi tác phẩm, nhưng vẫn bay cao, bay xa hơn với sức sáng tạo của mình. Đó sẽ là một tài sản quý không chỉ của các bạn, mà còn là của công tác bảo tồn di sản,” nhà sử học khẳng định.