Thơ ca về những người xả thân vì nghĩa lớn

Thực dân Pháp xâm chiếm nước ta từ thế kỷ XIX, nhưng sang đầu thế kỷ XX mới dần dần rõ ra khái niệm Thương binh - Liệt sĩ (TBLS), để rồi từ đó, đề tài TBLS từ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), tiếp theo đến cuộc chống Mỹ, cứu nước (1955 - 1975) được nhiều tác giả tham gia. 

Trao giải thưởng cho các tác giả sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ. Ảnh: BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN
Trao giải thưởng cho các tác giả sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ. Ảnh: BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN

1/Thơ như nỗi niềm tiếc nhớ, ghi ơn, tri ân từ một góc nhìn, một lát cắt, một khoảnh khắc về hiện thực đời sống cho nên nội dung đề cập TBLS tập trung hơn văn xuôi - một thể văn tỏa ra nhiều cành nhánh quan hệ của đời sống. Độc giả dễ tìm ra những bài thơ tiêu biểu ở thời đoạn 1945 - 1975: Lượm, Hãy nhớ lấy lời tôi, Người con gái Việt Nam (Tố Hữu), Núi Đôi (Vũ Cao), Mồ anh hoa nở (Thanh Hải), Viếng bạn (Hoàng Lộc), Quê hương (Giang Nam), Tiếng hát Quốc ca (Huỳnh Văn Nghệ), Nhớ máu (Trần Mai Ninh), Tôi khiêng anh bạn (Quản Tập), Viếng mồ liệt sĩ (Hồ Tùng Mậu), Bài ca chim Chơ Rao (Thu Bồn), Hoa chanh (Nguyễn Bao), Một bàn chân (Lữ Giang), Ngã ba Đồng Lộc (Huy Cận), Khoảng trời hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ), Nấm mộ và cây trầm, Màu hoa đỏ (Nguyễn Đức Mậu), Sống chết quang vinh (Nguyễn Trọng Oánh), Sự hy sinh của một tiểu đội (Xuân Hoàng)…

2/Sau 1975, từ trung ương đến địa phương, ngoài các hội văn học, nghệ thuật thì một số bộ, ban, ngành… đã tổ chức cuộc vận động hoặc cuộc thi sáng tác về đề tài TBLS. Các tác giả hầu hết là người đã và đang tại ngũ hoặc từng trải qua chiến tranh. Có thể thấy đến nghìn tác phẩm thơ và nhiều trường ca hoặc truyện ngắn chỉ viết về TBLS. Nói riêng về thơ đã in sách, báo trung ương mà độc giả đã biết hoặc rất dễ tìm đọc, thì có thể tạm nêu một danh sách chưa đầy đủ sau đây: Thanh Quế với Trưa 30-4-1975, Hữu Thỉnh với Phan Thiết có anh tôi, Trần Ninh Hồ với Viếng chồng, Nguyễn Thái Sơn với Thăm mộ chiều cuối năm và Ảnh thờ, Ngô Thế Oanh với Vô danh, Nguyễn Hữu Quý với Khát vọng Trường Sơn, Cơn mưa rừng chiều nay và Chuyện đi tìm mộ liệt sĩ, Vũ Bình Lục với Đám cưới một linh hồn và Vuốt mắt cho cánh rừng, Lê Văn Vọng với Viếng mộ, Mai Nam Thắng với Hoa loa kèn, Lau trắng Điện Biên, Rau tập tàng, Lê Đình Cánh với Gió đất, Xem nhờ ti-vi, Dương Thuấn với Một ngày một đêm, Vương Cường với Cõng bạn đi chơi, Nguyễn Linh Khiếu với Chiều thanh tước, Đinh Phạm Thái với Cái roi ngày ấy, Trần Quang Nhật với Mừng vợ bạn lấy chồng...

Những sự kiện lớn gây tổn thất nặng nề ở các địa danh lịch sử Đồng Lộc, Truông Bồn, thành cổ Quảng Trị… đã lay động sâu sắc tâm can nhiều tác giả, khiến họ cho ra đời những bài thơ, trường ca nói đến TBLS có giá trị cao về tư tưởng và thẩm mỹ. Ngoài ra, hình ảnh TBLS oai hùng lẫm liệt ở các mặt trận khác là biên giới phía bắc, biên giới tây nam, mặt trận trên lãnh thổ nước bạn Lào và biển đảo cũng được tái hiện một cách chân thực và xúc động trên các trang thơ.

Tác giả Nguyễn Hà Huy đã rất đúng khi cho rằng “có một tượng đài Đồng Lộc trong thơ” (tạp chí Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh, số 7-2018). Viết sớm nhất về Đồng Lộc là Huy Cận, viết hay nhất sau này là Yến Thanh với bài Cúc ơi, Vương Trọng với bài Lời thỉnh cầu ở Ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Trọng Tạo với trường ca Con đường của những vì sao. Và hàng trăm thi phẩm khác. Gặp lại các em của Nguyễn Đình Chiến đăng trên báo Văn nghệ khoảng đầu những năm 80 thế kỷ trước là một bài thơ thuộc loại xuất sắc viết về sự hy sinh của lính trẻ ở mặt trận biên giới phía bắc. Hình ảnh mộ gió có nhiều trong những thi phẩm nói về liệt sĩ không có mộ ở ngoài khơi biển đảo Tổ quốc. Bài thơ Mộ gió của Trịnh Công Lộc là một trong những bài thơ thuộc môtíp này được độc giả chú ý.

3/Số lượng thi phẩm về thương binh không nhiều, nhưng có những bài đã ghi dấu ấn vào lịch sử thơ ca hiện đại như: Người con gái Việt Nam (Tố Hữu), Tiếng hát Quốc ca (Huỳnh Văn Nghệ), Hoa chanh (Nguyễn Bao)… Hình tượng người thương binh còn có trong những trường ca viết về chiến tranh. Do thế mạnh của thể loại ở một góc độ nhất định thì truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, hồi ký, tản văn… đã viết nhiều về cựu chiến binh - thương binh bù cho thơ một cách vừa vô tình vừa hữu ý.

Bên cạnh những bài thơ nói đến liệt sĩ nương theo biểu tượng, hình ảnh mang tính khái quát như núi vọng phu, nghĩa trang, liệt sĩ vô danh, chuyến đi tìm mộ, địa danh linh thiêng nổi tiếng, thì có rất nhiều sáng tác mang nét riêng lẻ về chủ đề gia đình và hạnh phúc. Bài thơ Cõng bạn đi chơi thuật lại cảnh một bạn đồng ngũ cõng liệt sĩ về quê gặp mẹ và vợ. Bài thơ như một giấc mơ đầy ám ảnh tâm linh. Bài thơ Mừng vợ bạn lấy chồng tạo được tứ thơ mới về liệt sĩ với cách nhìn đầy nhân ái. Bài Cái roi ngày ấy cho độc giả biết cái roi kỷ niệm bố mẹ ngày trước đánh con nhằm răn đe nhẹ nhàng khi con lười học, mải chơi vẫn mãi mãi còn đây mà đứa con yêu dứt ruột đẻ ra ấy nay không còn nữa. Trường sơn một dải xanh rì/Đất đen đất đỏ lấy gì chôn con. Hàng nghìn gia đình có liệt sĩ mà cảnh ngộ trùng hợp như trên, đọc bài thơ có thể không cầm được nước mắt.

4/Ánh mắt người liệt sĩ vẫn mãi mãi dõi theo không chỉ riêng ai mà còn cho tất cả, để gửi đến chúng ta không chỉ là niềm căm giận đối với kẻ thù chung, mà trước hết và sau cùng là tình yêu nồng nàn đối với đồng loại, là lẽ sống chân chính, cao đẹp ở đời, là trách nhiệm của người ở lại - trong đó có nhà thơ - đối với hàng triệu người đã ngã xuống, trách nhiệm đối với nhân dân, Tổ quốc.