Sự nhập cuộc của chất liệu dân gian

Những nét vẽ con trâu, cái cày, bông lúa, lá tre… xuất hiện trong tranh dân gian nay đã trở thành những thiết kế độc đáo, làm nên phong cách mới mẻ cho sản phẩm lụa Nha Xá, hộp đựng trà, phong bao lì xì... Đó là nỗ lực mà nhóm Họa Sắc Việt đang thực hiện để tạo nên những sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc.

Những sản phẩm ứng dụng họa tiết tranh Hàng Trống tại triển lãm.
Những sản phẩm ứng dụng họa tiết tranh Hàng Trống tại triển lãm.

Bước ra khỏi trang sách

Có mặt tại triển lãm “Ứng dụng họa tiết truyền thống trong thiết kế sản phẩm và thiết kế bao bì” (diễn ra từ ngày 1 đến 7-11, tại Trung tâm Thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc, Hà Nội), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những sản phẩm bìa sổ tay, bao lì xì, ốp điện thoại, khăn lụa được thiết kế với những chi tiết lấy từ tranh Hàng Trống.

Những sản phẩm ứng dụng họa tiết và mầu sắc từ tranh Hàng Trống trong các lĩnh vực đồ họa, thời trang, sản phẩm thủ công - mỹ nghệ là một bước hiện thực hóa kiến thức từ cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống” ra mắt vào tháng 3-2018. Đây là cuốn sách đầu tiên về mầu sắc, hoạ tiết truyền thống Việt Nam và phương pháp ứng dụng vào thiết kế hiện đại dành cho cho cộng đồng nhà thiết kế. Sau sáu tháng xuất bản, những ứng dụng chất liệu dân gian đã bước ra khỏi trang sách, hiện hữu trong những sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc Việt Nam, được giới thiệu và chào bán trên thị trường.

Theo bạn Trà Mi (thành viên của S-River), dự án Bản Sắc Việt ra đời từ trăn trở của những nhà thiết kế trẻ khi thấy kho tàng nguyên liệu dân gian của ngành thiết kế Việt Nam rất ít ỏi. Trong khi những dòng tranh dân gian có thể mang tới những nguyên liệu quý giá, đúng bản sắc thì lại có nguy cơ mai một. Bởi thế, nhóm đã “mở kho báu” cha ông để lại, đưa ứng dụng thiết kế truyền thống được tiếp nối trong hiện tại và phát triển tới tương lai.

Kết hợp sản phẩm lụa Nha Xá truyền thống với những thiết kế in hình tranh Hàng Trống, ông Đinh Phú Quý (đồng sáng lập Công ty cổ phần Lụa Nha Xá) chia sẻ, đưa Tranh Hàng Trống và khăn lụa bảo đảm yếu tố truyền thống và thời trang, tạo “mầu cờ sắc áo” cho thiết kế. Mỗi sản phẩm sẽ kể được câu chuyện về hoạ tiết trên khăn và cách dệt khăn tới khách hàng. Điều đặc biệt, mầu sắc đậm đà, mạnh mẽ phản ánh chân thực sinh hoạt thường nhật của tranh Hàng Trống sẽ làm tươi với tính chất mềm mỏng nhẹ nhàng vốn có với lụa, không thể bị nhầm lẫn với các dòng khăn kém chất lượng khác trên thị trường.

Bắt nhịp với hiện tại

Không chỉ gói gọn trong một cuốn sách hay dừng lại ở một vài triển lãm, việc các doanh nghiệp đón nhận những sản phẩm văn hóa như một phần tất yếu để hoàn thiện những sản phẩm của mình đã làm cho tinh hoa của văn hóa dân tộc được khơi dậy theo một cách khác, hòa vào cuộc sống hiện đại một cách tự nhiên. Trong khi các thương hiệu lớn trên thế giới từ lâu đã quan tâm và đầu tư khai thác hiệu quả yếu tố bản địa để phát triển thương hiệu thì đây lại là “khoảng trống” của các doanh nghiệp Việt, đang được kỳ vọng lấp đầy nhờ những dự án như Họa Sắc Việt.

Người tâm huyết nhiều năm với dự án này - nhà thiết kế Trịnh Thu Trang cho biết: “Mang tinh thần truyền thống vào các sản phẩm đương đại, chúng tôi muốn sản phẩm của Việt Nam có những mẫu mã bao bì có phong cách riêng, có bản sắc riêng”. Điều này sẽ truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt cùng nhau tạo nên những sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, không chỉ giúp doanh nghiệp tự hào bởi đã thiết kế những sản phẩm mang bản sắc Việt Nam mà khi các sản phẩm mang tính bản địa thì nó sẽ gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Việc ra mắt những sản phẩm mang dấu ấn Việt giống như một phép thử với cả nhà thiết kế và doanh nghiệp. Đến nay, một số sản phẩm tiêu biểu đã được hoàn thiện như khăn lụa Nha Xá, trà Từ Vân, xà-bông thiên nhiên Cỏ Mềm, sổ tay chỉ khâu châu Á của Monosketch, áo thời trang của nhà thiết kế Trần Thảo Miên… Đây cũng là cách giúp giới trẻ tiếp cận văn hóa theo cách mới, khi mà xu hướng hiện nay đang tìm về những nét đẹp trong quá khứ để biến tấu sử dụng ở hiện tại. Theo giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội Lư Thị Thanh Lê, những sản phẩm vừa có truyền thống vừa có tính hiện đại, tạo nên sức sống mới cho văn hóa truyền thống. Điều này cũng bù lấp sự thiếu hụt trong những làng nghề, khi nghệ nhân vẫn chú trọng duy trì những sản phẩm hiện có mà chưa đổi mới để bắt kịp thị trường, còn doanh nghiệp thì vẫn loay hoay để làm sao sản phẩm hấp dẫn hơn, tinh tế và hút khách hơn.

Trong thời gian tới, dự án Họa Sắc Việt sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng thiết kế với hai dòng tranh dân gian khác của Việt Nam là tranh Đông Hồ và Kim Hoàng. Đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác như thổ cẩm, gốm… để có thêm nhiều cơ hội bảo tồn và phát huy giá trị di sản cha ông để lại.