Sáng tác để kéo trẻ em ra khỏi máy móc

Hoạt động mới rất đáng chú ý vừa được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam công bố. Đó là cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi. Thời Nay có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều-Chủ tịch Hội về cuộc vận động sáng tác này.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trả lời phỏng vấn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trả lời phỏng vấn.

Phóng viên (PV): Sáng tác cho thiếu nhi là công việc khó và không phải người viết nào viết cho các em cũng thành công? Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi lần này có điểm gì nổi bật?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chăm sóc cho thiếu nhi đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Riêng đối với Hội Nhà văn Việt Nam thì có một nhiệm vụ quan trọng, đó là tạo dựng nên những cuốn sách mang tới vẻ đẹp trong tâm hồn của các em. Một bạn nhỏ lớn lên phải chứa đựng trong mình vẻ đẹp của nền văn hóa Việt. Chính các nhà văn, nhà thơ cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc sáng tác cho thiếu nhi hôm nay. Để các em lớn lên trong sự nhuần nhuyễn, tự hào về văn hóa Việt, chứ không phải là sự pha trộn của nhiều nền văn hóa khác. 

Chính vì vậy việc sáng tác cho thiếu nhi là việc làm cần thiết và cấp bách. Bởi trẻ em hiện nay đang xa rời dần những cuốn sách, rời xa dần thiên nhiên chung quanh, để chìm đắm vào trong thế giới ảo của YouTube, của game… Dần dần, các em trở nên lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình, trong việc phát triển tâm lý và đời sống tinh thần. Chỉ có vẻ đẹp của chữ nghĩa, của những gì đang diễn ra chung quanh mới khiến các em dần rời xa những thiết bị máy móc. 

Hơn nữa việc mua sách, truyện đối với thiếu nhi nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn rất khó khăn. Có gia đình bán cả gánh rau vẫn chưa mua được cuốn sách đẹp cho con em mình. Vì vậy Hội Nhà văn luôn kêu gọi toàn xã hội hãy viết sách và làm sách cho trẻ em. Điều này chúng tôi đang nhận được sự ủng hộ cao từ cộng đồng xã hội. Cuộc vận động lần này là để các nhà văn tập trung trí tuệ, tình cảm và sáng tạo của mình để tạo ra được những cuốn sách chất lượng nhất, sinh động nhất và rẻ nhất dành cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, vùng sâu vùng xa.

PV: Bây giờ thì việc đọc của các em có phần khác ngày xưa nhiều. Biên độ đọc của các em cũng đã được rộng mở. Không còn là những cuốn sách với nội dung đơn giản chỉ có cây cỏ hoa lá trong vườn. Vậy Hội có những sáng kiến, gợi mở gì về điều này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tiến hành các cuộc hội thảo, trao đổi viết cho thiếu nhi trong thời gian tới. Sẽ đi sâu thảo luận, phân tích trẻ em giai đoạn này cá tính như thế nào? Các em đang hướng tới điều gì trong cuộc sống. Các sáng tác sẽ không còn là những bài giảng đạo đức khô cứng, mà làm thế nào để đưa trẻ em về với thế giới tự nhiên nhất, nhưng có định hướng, có gợi mở, có lý giải để các em hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, với cây cỏ, muông thú; Con người trong tổng hòa gia đình-trường lớp-thầy cô-bè bạn… Nghĩa là các em bước vào thế giới ấy một cách hiện đại xen lẫn với truyền thống… Nghĩa là trẻ em phải tiếp xúc với những giấc mơ đẹp của cảm xúc bắt nguồn từ không gian gia đình và những điều giản dị chung quanh. 

PV: Gần đây nhất (2001) Hội Nhà văn Việt Nam trao giải sáng tác cho thiếu nhi cho cuốn “Miền xanh thẳm” của Trần Hoài Dương. Từ đó cho tới nay, Hội Nhà văn chưa trao giải thêm cho cuốn truyện nào nữa. Vì sao lại có sự đứt quãng như vậy?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đúng là sau cuốn “Miền xanh thẳm” của Trần Hoài Dương thì Hội chưa có cơ hội trao thêm cuốn truyện nào viết cho thiếu nhi nữa cho tới nay. Nhưng không trao giải nghĩa là không có sách viết cho thiếu nhi. Gần đây chúng ta có thêm Giải thưởng Dế Mèn của báo Thể thao và văn hóa, có Giải thưởng Sách Quốc gia dành cho những cuốn sách viết cho thiếu nhi. Hội Nhà văn Việt Nam vẫn có Ban Văn học thiếu nhi. Khóa này đã phát triển thành Hội đồng văn học viết cho thiếu nhi. Nghĩa là phải quan tâm sâu hơn nữa về nghệ thuật viết cho thiếu nhi. Hy vọng Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi tới đây sẽ có thêm nhiều cuốn truyện chất lượng, mang đậm tính cách, tâm hồn Việt dành cho thiếu nhi.

PV: Xin cảm ơn nhà thơ! 

Cuộc vận động sẽ kéo dài trong 5 năm, chia làm hai đợt, nhằm qua các sáng tác văn học, ca ngợi, cổ vũ, tôn vinh những đức tính, những hành động, những suy nghĩ tốt đẹp. Từ đó khơi gợi, bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi, hướng thiếu nhi trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai.