Làm báo ở Tây Nam Bộ trong kháng chiến

Đầu năm 1969, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 (Quân giải phóng Đông Nam Bộ) được điều về tăng cường cho Quân khu Tây Nam Bộ (nay là Quân khu 9). Khi đó, là phóng viên báo Quân giải phóng miền Nam, tôi được phân công đi theo đơn vị về đồng bằng. Tôi rất hào hứng vì vốn là chiến sĩ của trung đoàn trước đó gần một năm.

Máy ảnh của nhà báo liệt sĩ Bùi Đình Túy dùng trong thời kỳ công tác tại chiến trường Nam Bộ. Ảnh: ANH QUÂN
Máy ảnh của nhà báo liệt sĩ Bùi Đình Túy dùng trong thời kỳ công tác tại chiến trường Nam Bộ. Ảnh: ANH QUÂN

1/Nam Bộ bắt đầu vào mùa mưa nên đơn vị di chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Phải mất tới hơn năm tháng (xuất phát từ Bến Tháp - nơi thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông tỉnh Tây Ninh), đơn vị mới về đến vùng giải phóng ven rừng U Minh Thượng thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang).

Về đến Vĩnh Thuận được hơn hai tháng thì một hôm anh Năm Thông - Trung đoàn trưởng kêu tôi lên gặp. Anh thông báo: “Báo Quân giải phóng Tây Nam Bộ” đề nghị xin cậu về báo này; Lãnh đạo báo “Báo Quân giải phóng miền Nam” đã đồng ý. Hôm nay, anh Ba Thành - phóng viên báo quân khu về trung đoàn đón cậu đó.

Tôi rất bất ngờ về sự việc này, song vì nhiệm vụ tôi buộc phải bịn rịn chia tay các anh chỉ huy trung đoàn, theo anh Ba Thành về báo của quân khu. Tòa soạn Báo Quân giải phóng Tây Nam Bộ lúc đó đóng tại ngọn kênh Kim Quy thuộc xã Khánh Vân, huyện An Biên. Đó là một cái chòi lớn được dựng dưới những tán dừa lão trong vườn Má Tư. Trong chòi là một chiếc hầm lớn đắp nổi, chung quanh có nhiều công sự chiến đấu. Lúc đó, ngoài anh Ba Thành, anh Bảy Viện và thêm tôi là người miền bắc, còn lại các anh Hai Dũng (Thư ký tòa soạn), Bảy Viễn, Chín Thành, Ba Thu Sơn, Tư Quyết Tâm, Tư Trường Giang và họa sĩ Mười Giang đều là người Nam Bộ. Lúc đó, tôi mới hơn 20 tuổi, thuộc diện ít tuổi nhất tòa soạn nên các anh rất yêu mến. Các anh hướng dẫn tôi bơi, chèo xuồng, cách cắm câu, quăng chài, thả lưới, cách phát cỏ cấy lúa và đặc biệt là phong cách làm báo ở vùng sông nước Nam Bộ.

2/Hồi đó, phóng viên ít khi ở tòa soạn, phần lớn thời gian nằm ở các đơn vị và địa phương. Mỗi lần xuống đơn vị, chúng tôi thường đi từng cặp với nhau. Tôi và Tư Hải thường đi xuống Trung đoàn 1 (U Minh), Trung đoàn 2; anh Ba Thành và Tư Trường Giang thường đi Trung đoàn 10, Trung đoàn 20; anh Ba Thu Sơn, anh Bảy Viễn thường đi Trung đoàn 6 (hoạt động tại vùng Trà Vinh) và Trung đoàn 6 pháo binh… Xuống đơn vị, chúng tôi thật sự là chiến đấu viên. Đơn vị chống càn, chúng tôi cùng chiến đấu chống càn. Bộ đội tập kích, đánh đồn, chúng tôi vào đồn địch. Hai anh Nguyễn Thương và Sáu Biên đều hy sinh khi chống càn ở kinh Năm Đát Sét (An Biên). Còn nhớ tháng 10-1971, để chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô, tôi và Tư Hải xuống Trung đoàn 2. Vừa xuống đơn vị tối hôm trước, sáng hôm sau B52 rải thảm vào đúng đội hình của trung đoàn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thương vong. Tôi bị bùn đất vùi chỉ còn hở cái đầu. Rất may là chiến sĩ của đại đội đã bới đất cứu sống tôi. Tư Hải lúc đó bình an nhưng đến chiều chống càn thì bị thương nát bàn tay bên phải. Cả hai chúng tôi được đưa về đội phẫu của trung đoàn cứu chữa.

3/Những bài viết không đòi hỏi cấp bách về tính thời sự như “gương chiến đấu dũng cảm”, “công tác dân vận trong vùng địch tạm chiếm”, “chuyện hậu phương”, “sổ tay công tác vận binh”, “công tác hậu cần”… thì chúng tôi gửi theo đường giao liên về tòa soạn. Những trận đánh lớn giành thắng lợi phải viết ở dạng tường thuật, ghi nhanh hoặc bình luận thì chúng tôi đưa cho chỉ huy đơn vị xem, rồi nhờ các anh dùng điện đài chuyển về quân khu sớm để xử lý.Thời kỳ đó báo nằm trong phòng tuyên huấn, Tổng biên tập là đồng chí trưởng phòng, nên khi nhận được tin bài, anh Hai Dũng (Thư ký tòa soạn) thường mời cán bộ trong phòng tuyên huấn đến đóng góp ý kiến, thông qua từng bài một để bảo đảm bí mật cũng như cách đánh của ta. Khi đã được kiểm duyệt xong, anh Hai Dũng sắp xếp trang báo, cùng anh Mười Giang (họa sĩ) vẽ minh họa, rồi khắc gỗ. Thời kỳ đó, tòa soạn không có nổi cái máy đánh chữ; máy ảnh thì có nhưng không chế bản ảnh để in báo được. Do vậy, sau khi sắp xếp bài vở cho một số báo là đem bản thảo và miếng gỗ đã khắc đưa đi nhà in.

Hồi đó, nhà in của quân khu đóng ở Mong Chim (Cà Mau), cách tòa soạn chừng sáu tiếng chèo xuồng. Mỗi lần đưa bản thảo đi nhà in hoặc lấy báo về đều rất căng thẳng và đầy nguy hiểm vì phải qua bốn đồn địch. Còn nhớ, một lần tôi và anh Chín Thành đi lấy báo ở nhà in. Hai anh em thay nhau chèo xuồng suốt đêm trong màn mưa mù mịt. Về gần đến vàm kênh Kim Quy thì trời sắp sáng. Thấy một bóng người trùm áo mưa ngồi ở bờ kênh phía trước, chúng tôi nghĩ là dân đi cắm câu nên anh Chí Thành hỏi: “Anh Hai ơi, phía trước có êm không?”. Bóng người phía trước đứng bật dậy, xả một loạt đạn về phía chúng tôi. Hai anh em nhảy ào xuống nước, ép sát bờ kênh tránh đạn. Rất may tên lính hốt hoảng bắn bừa đi, nếu không chúng tôi khó mà thoát được.

Báo vẫn ra đều một tháng hai kỳ, mỗi số bốn trang. Báo được gửi theo đường giao liên của quân khu đến các đơn vị. Có những số báo phải hằng tháng sau mới tới tay người đọc vì đơn vị di chuyển liên tục hoặc địch phục kích dọc đường giao liên không thể đi được. Thời kỳ đó, phương tiện thông tin rất ít, nên tờ báo trở thành món ăn tinh thần gần như duy nhất của cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị trong quân khu. Những gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm hoặc “chuyện hậu phương của người lính”, hay mục “tâm sự của chiến sĩ trẻ” luôn được bộ đội chuyền tay nhau đọc…

Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, những người làm Báo Quân giải phóng Tây Nam Bộ nay đều ở tuổi 75, 80. Các anh như Chín Thành, Bảy Viễn, Ba Thu Sơn, Mười Giang, Tư Tâm và mới đây là Tư Hồng đã lần lượt qua đời vì tuổi già sức yếu hoặc do vết thương tái phát.

Viết những dòng này, tôi lại nôn nao nhớ về các anh - những nhà báo chiến sĩ, những nhân chứng lịch sử.