Ký sự hoa niên trên đường lửa đạn

Những trường đoạn tả cảnh hành quân vất vả là những đoạn ấn tượng và thành công của tác giả. Chưa thật sự “giáp lá cà” đánh nhau với giặc, nhưng cuộc chiến trong tâm trí mỗi người lính đã trở nên ác liệt rồi. 

Tác giả Trần Ngọc Phú (phải) chia sẻ về cuốn sách.
Tác giả Trần Ngọc Phú (phải) chia sẻ về cuốn sách.

1/Tôi biết đến nhà văn Trần Ngọc Phú nhờ ba tập hồi ký dày dặn “Từ biên giới Tây Nam tới đất chùa Tháp” giàu chất sử liệu. Bộ hồi ký đã giúp cho người lính cầm bút Trần Ngọc Phú giành giải thưởng Văn học sông Mê Kông năm 2020 và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.

Có lẽ khi đang đi chiến đấu, người lính Trần Ngọc Phú chẳng hề nghĩ mình sẽ trở thành một nhà văn. Thậm chí, anh còn “kiêng” không ghi nhật ký, bởi có tin đồn rằng, những người lính ghi nhật ký trong cuộc chiến tranh ấy thường hy sinh… May thay, anh lại có một trí nhớ tuyệt vời! Khi còn trong quân ngũ, giữ vị trí Trợ lý chính trị Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341, anh có thể nhớ ngày sinh, ngày nhập ngũ, quê quán (trích ngang) của… 574 chiến sĩ. Chính nhờ năng lực “Trời cho” này, mà khi chiến tranh lùi xa, tác giả Trần Ngọc Phú vẫn có thể hồi tưởng và ghi lại các trận đánh, lời nói đồng đội, những câu chuyện chiến trường.

Trong cuốn ký sự “Trần Phú 341 chiến trường A” (NXB Hội Nhà văn), dày 450 trang, tác giả đã mô tả chi tiết về những tháng ngày nhập ngũ, rèn luyện, hành quân vào tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị, tới vĩ tuyến 17 năm 1972. Tiếp tục chiến đấu bảo vệ vĩ tuyến 17 suốt những năm 1973, 1974, cho đến năm 1975 thì Sư đoàn 341 vào chiến đấu tại chiến trường B2 (Miền Đông Nam Bộ)… 

2/Trong không khí toàn miền bắc dồn lực chi viện cho miền nam, có những thanh niên trai tráng đã dùng máu để viết đơn nhập ngũ, thì việc trở thành người lính giải phóng quân là niềm tự hào của nhiều thanh niên trai tráng thời ấy. Tuy nhiên, có thời gian chiêm nghiệm về cuộc chiến và trong tinh thần cởi mở hơn của thời cuộc, dám nhìn thẳng vào sự thật, thì trong cuốn sách “Trần Phú 341 chiến trường A”, tác giả đã cho bạn đọc cái nhìn chân thực hơn. Cùng với đợt nhập ngũ của tác giả, còn có rất nhiều sinh viên, kỹ sư, giáo viên, thợ bậc cao cũng trở thành người lính. Cho nên tác giả đưa ra nhận định rằng, để giành được độc lập, tự do cho ngày hôm nay, chúng ta đã dành hết cả “vốn” của dân tộc mình. Cần trân trọng từng phút, từng giờ, từng ngày được sống trong hòa bình hôm nay và chẳng có khó khăn nào trên con đường phấn đấu phát triển bản thân, có thể sánh với những đau thương ngày ấy… 

Cuốn sách là một hành trình trải nghiệm của tác giả, từng ngày kể từ trước khi nhập ngũ, cho đến khi chất tất cả quân trang, vũ khí, lương thực nặng tới 35 kg lên tấm thân cò hương chỉ hơn 40 kg của mình, để hành quân Nam tiến. Dưới ngòi bút tả thực của tác giả, người đọc lắm phen ngạt thở trước những cực nhọc khó có thể tưởng tượng mà người chiến sĩ đã vượt qua trên đường hành quân. Hầu hết họ là những chàng trai từ 17 đến 20 tuổi, có khi ở nhà còn ngủ dậy muộn, bố mẹ còn phải gọi, hò, giục giã chán chê mới dậy ăn sáng, nhưng trên đường hành quân, họ còng người về phía trước với ba-lô nặng trĩu trên lưng, hai vai vác súng, đeo ruột tượng gạo đủ ăn cho bảy đến 10 ngày. Trời mưa, đường đất lầy lên khiến chiến sĩ ngã oành oạch. Tác giả cũng níu độc giả khi xen giữa những trường đoạn căng thẳng lột tả sự vất vả đường hành quân, là những đoạn chiến sĩ tạm nghỉ ngơi ở nhà dân. Tình quân dân thật ấm áp. Có cả những trò tinh nghịch quái quỷ kiểu học trò của những anh lính trẻ khiến độc giả bật cười như đoạn các anh lính nằm trong mùng, trong đêm đen, dùng kính ngắm cối để ngắm trộm cô giáo tắm bên bể nước, hay đoạn chàng lính tranh thủ tình cảm em gái trong lúc cùng nấu bếp ban đêm… Hoặc đoạn kể về tình huống thách đấu hớ hênh của anh lính trẻ với người chính trị viên trung tuổi, là một võ sư huyền thoại, cũng mang lại cho độc giả sự sảng khoái và bài học cuộc sống.

Và trong lớp lớp trường đoạn trên đường hành quân, có một tình huống ngẫu nhiên đến với đoàn quân khi đi qua khu vực thành nhà Hồ ở Thanh Hóa. Tác giả đã bất ngờ sững người khi nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc rách nát tả tơi, chống đòn gánh đứng bên đường với hai cái sảo rỗng, nhìn theo đoàn lính trẻ hành quân và khóc ròng. Hình ảnh đó đã tạo nên sức ám ảnh cho cuốn sách, làm nên một giá trị khác biệt hẳn trong ngòi bút của nhà văn Trần Ngọc Phú.