Khi thầy thuốc và nhà thơ hòa trong một

Công việc chính hằng ngày là chữa bệnh cứu người, nhưng 30 năm qua, bác sĩ Hồ Khải Hoàn vẫn mang nặng duyên nghiệp với thơ ca. Với ông làm thầy thuốc và sáng tạo thơ ca hòa quyện và tác động tương hỗ lẫn nhau.

Bác sĩ, nhà thơ Hồ Khải Hoàn.
Bác sĩ, nhà thơ Hồ Khải Hoàn.

1/Xem bệnh án và kê đơn thuốc cho hai, ba bệnh nhân xong cuối buổi chiều làm việc, Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Khải Hoàn mời tôi vào phòng riêng Phó Trưởng khoa của anh rộng chừng 10 m2 tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư, tặng tôi tập thơ xuất bản gần nhất và khoe: Tôi sắp hoàn thành một ca khúc về tình yêu đôi lứa mang chất dân ca Nghệ Tĩnh. 

Năm 2020, chỉ vài tuần sau khi ở Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, bác sĩ - thi sĩ cho ra mắt bài hát “Chống giặc Corona như chống giặc ngoại xâm” theo điệu Slow rock, mang âm hưởng nhẹ nhàng, tình cảm đậm chất trữ tình: “Còn cuộc sống là còn tình yêu, còn niềm tin là còn hy vọng… hãy bền gan em nhé nắm tay nhau chống dịch Corona…”. Đó là một buổi trưa trung tuần tháng 3-2020, tình cờ xem chương trình thời sự trên VTV1, có chùm tin về các nghệ sĩ chung tay chống dịch Covid-19. Cũng từ không khí phòng, chống dịch bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai, ở bệnh viện mình và nhiều nơi khác trong cả nước, chỉ khoảng 20 phút sau anh hoàn thành bài hát. Tối hôm đó anh gửi ca khúc này đến Đài Tiếng nói Việt Nam, ngay trong đêm nữ ca sĩ Thúy Thúy và ê-kíp đã thu âm, phối khí. Chỉ một ngày sau ca khúc của anh đã được vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Khoảng hơn 25 năm trở lại đây, Hồ Khải Hoàn đã “trình làng” hàng chục ca khúc  mà đáng kể trong đó là “Xa sông Thương”, “Anh mang tình em đi”, “Khúc ru đường về”, “Mùa thu của em”… do các ca sĩ Hồng Liên, Phan Muôn và Thúy Thúy thể hiện qua làn sóng tiếng nói Việt Nam.

2/Nghiên cứu phương pháp, thủ thuật chữa căn bệnh rối loạn chuyển hóa trong cơ thể con người, nhưng với tâm hồn nhạy cảm và dễ rung động, bác sĩ Hồ Khải Hoàn còn nặng duyên nợ với nghiệp thơ ca. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sáng tác thơ của anh được “khởi phát” trong các ngày nghỉ cuối tuần; xuất lộ sau những chuyến du lịch tới vùng này miền nọ hoặc cảm xúc đến sau những chuyến tham gia chỉ đạo tuyến về cơ sở thuộc các địa bàn miền ngược, miền xuôi. So với các cây bút chuyên nghiệp, Hồ Khải Hoàn sáng tác không nhiều nhưng với một số tập thơ đã được xuất bản như “Thơ tình lãng tử” (năm 1995), “Mặt trời lãng tử” (in chung với Hồ Khải Đại năm 2002), “Ly cà-phê mùa thu” (2007), “Bên gốc sấu xanh rêu” (năm 2018) và một vài tác phẩm văn xuôi khác cũng đủ gây được dấu ấn trong lòng bạn đọc. Vượt qua những hạn chế của thơ ca một thời như cha anh (cố nhà thơ quân đội Hồ Khải Đại) đã chỉ ra: “Những câu thơ nặn đầu cho vừa mũ/Những câu thơ gọt chân cho vừa giày” ta có thể cảm nhận trong thơ Hồ Khải Hoàn một sự khoáng đạt, bay bổng. 

Đề tài bao trùm và xuyên suốt trong thơ anh là tình yêu hiểu theo nghĩa rộng. Người đọc có thể bắt gặp trong thơ của người thầy thuốc về tình yêu đôi lứa, những rung động đầu đời, là tình cảm gia đình, quê hương đất nước và các triết lý nhân sinh được thể hiện dưới nhiều hình thức thể loại khác nhau (thơ bốn chữ, thơ ngũ ngôn, lục bát, thơ văn xuôi, thơ tự do, trường ca…). Theo cha ra Hà Nội từ thuở hoa niên, xa quê đã mấy mươi năm nhưng không thể cứ “nhớ quê ta lại tìm đường thăm quê” (Tố Hữu) được. Cho nên hình ảnh quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có dòng sông Lam xanh biếc cứ đau đáu trong lòng. Công việc chuyên môn quanh năm suốt tháng cuốn hút thì thôi, chứ những lúc bên ly cà-phê hay tha thẩn một mình thì hình bóng quê hương cứ hiện lên khắc khoải: “Dạt vào một chốn tha hương/Quê ơi… ta biết nhớ thương răng chừ/Đong đầy một chén ưu tư/Đùm vào một gói ngôn từ nhạt phai” (Nhớ quê). 

Xã hội đổi thay, ngược xuôi trải nghiệm rồi được chứng kiến lắm nỗi đời gợi nhiều băn khoăn, xa xót, thơ Hồ Khải Hoàn vẫn dung dị một tình yêu bền chặt “Bầu trời ơi, tôi bên em mãi mãi… /Dẫu mặt đất gồ ghề nát dưới gót chân tôi” (Đất nước và em). Bởi vậy anh vẫn nhìn thấy phía trước “Có tia nắng ban mai và có tiếng chim đang hót/Có em đợi anh ở cuối con đường…” (Có em đợi anh ở cuối con đường). Đó cũng là động lực để Hồ Khải Hoàn cuối năm nay và sang năm sẽ vừa cho ra mắt cuốn sách chuyên khảo về bệnh đái tháo đường, cùng một album gồm mười ca khúc về tình yêu, và khoảng hai năm nữa sẽ “thai nghén” tiếp một tập thơ.