Hết lòng với Xẩm

Suốt 15 năm đằng đẵng, nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam không ngừng làm việc, bảo tồn, gìn giữ các làn điệu âm nhạc truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật hát xẩm. Ông tự hào: “Trong dòng chảy ồn ã, khắc nghiệt của cuộc sống, dù không được bao cấp, chúng tôi vẫn gắng gượng được, vẫn tự kiếm tiền để nuôi anh em”.

Nhạc sĩ Thao Giang và học trò.
Nhạc sĩ Thao Giang và học trò.

Người mạo hiểm

Từ năm 2005, nhạc sĩ Phạm Minh Khang và nhạc sĩ Thao Giang đã có ý tưởng táo bạo, là “cứu xẩm”. Ban đầu, nhạc sĩ Thao Giang rất lo sợ chẳng có ai đến học dù dạy miễn phí. Nhưng điều bất ngờ là có tới hơn 100 em đến đăng ký học và chủ yếu là thanh niên. Thao Giang nghĩ rằng, lớp trẻ không hẳn đã quay lại với âm nhạc truyền thống, chỉ có điều là người ta chưa “bắt mạch” được thôi. Vậy là hai nhạc sĩ đã có lớp học và Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam được thành lập, lúc đó nhạc sĩ Phạm Minh Khang là giám đốc. 

Từ ngày thành lập, Thao Giang đã tuyên chiến với những khó khăn. Trước hết, ông tuyên chiến với sự rối loạn của các trào lưu âm nhạc. Đó là công việc vô cùng khó khăn, song ông và các đồng nghiệp luôn giữ được sự quyết tâm cao, lại được các nghệ sĩ Thanh Ngoan, Xuân Hoạch, Thúy Ngần, Văn Ty… hết mực ủng hộ, giúp đỡ. Sau đó là những người học trò sớm bộc lộ tài năng, có tâm huyết khiến Thao Giang vững tin hơn. 

Lúc đầu các cuộc họp chủ yếu ở… quán cà-phê. Sau đó Trung tâm đến hoạt động nhờ trong gara ô-tô của một cơ quan. Năm 2007, Trung tâm đi thuê địa điểm, với giá thuê 2 triệu đồng/tháng, nhưng cũng chỉ trụ nổi tám tháng. Tháng 8-2008, GS Phạm Minh Khang và nhạc sĩ Thao Giang lại đi tìm nơi mới. Hai người đã nghĩ đến việc phải đóng cửa Trung tâm tạm thời để tìm nguồn kinh phí và địa điểm. Khi tìm được nơi gửi đồ là một gian phòng của đình Hào Nam (quận Đống Đa, Hà Nội) thì cũng là lúc Trung tâm “vớ được cọc”. Thao Giang tâm sự: “Đúng là trời chẳng phụ người có tâm bao giờ. Chúng tôi được nhân dân cưu mang, đón về đình Hào Nam để chúng tôi hoạt động, cống hiến và tiếp tục nhân thêm lực lượng, đào tạo con người cho đến hiện tại”.

Điều mà Trung tâm làm được, là đã khôi phục được nghệ thuật hát xẩm có nguy cơ thất truyền, khôi phục và tổ chức được ngày giỗ tổ nghề xẩm, đào tạo các lớp hát thế hệ trẻ... Theo nhạc sĩ Thao Giang, Trung tâm đã tìm được gần 100 nghệ nhân trên các miền đất nước: Ca trù, xẩm, chầu văn, trống quân... 

Còn đó những trăn trở

Nhạc sĩ Thao Giang quê ở Thanh Oai - Hà Nội, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) từ năm 1958. Ban đầu chỉ là học lớp sơ cấp. Sau đó học dần lên, ông được giữ lại làm công tác giảng dạy. Ông cũng là người có nhiều thời gian ra nước ngoài học hàm thụ, biểu diễn giao lưu để học hỏi kinh nghiệm. Ông cũng nhận ra, nghệ thuật âm nhạc truyền thống ở trong nước đang chịu rất nhiều sức ép. 

Nhạc sĩ Thao Giang kể lại rằng, chục năm trước, có nhà quản lý văn hóa tâm sự rằng, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa cả nước không thiếu loại hình âm nhạc truyền thống nào nhưng lại chẳng có một loại nào riêng, thành ra đi đâu cũng ngại... “đụng hàng”. Thao Giang nói chắc như đinh là có. Ông hát luôn một đoạn và khẳng định đó chính là xẩm tàu điện. Quả thật vậy, tàu điện xuất hiện ở ta từ thời kỳ Pháp thuộc. Sau đó xẩm tàu điện đại diện cho Hà Nội tham dự một liên hoan dân ca toàn quốc và gây được chú ý. Càng tìm hiểu xẩm và điệu tàu điện càng thấy đam mê, quyến rũ. Ông bảo: “Không quyến rũ sao được, khi cuộc sống của dân còn khổ ải, mà lúc cất giọng lên ai cũng thấy lạc quan yêu đời”. 

NSND Xuân Hoạch tâm sự: “Nhạc sĩ Thao Giang là lứa đàn anh của tôi. Anh làm việc hết lòng, nhiệt tình, có khả năng và trình độ về âm nhạc dân gian. Thao Giang lý luận về âm nhạc dân gian cực hay vì ông là người hiểu rất rộng về âm nhạc dân gian. Sau khi nhạc sĩ Phạm Minh Khang qua đời (5 năm trước), anh Thao Giang từ là phó đã đảm nhận chức danh giám đốc Trung tâm và vẫn nỗ lực cho công việc”.

Chương trình “Hà thành 36 phố phường” vào các tối thứ bảy trên phố Hàng Đào - chợ Đồng Xuân (Hà Nội) ngày một phong phú, có thêm nhiều gương mặt trẻ. Hơn chục năm qua, hoạt động liên tục là một nỗ lực không ngừng, trong đó có đóng góp to lớn của Thao Giang. Gánh xẩm vì thế có tên “Gánh xẩm Thao Giang”. Khi tôi hỏi, khán giả đến với “Gánh xẩm Thao Giang” thế nào? Ông nói: “Chúng tôi rất ngạc nhiên vì khán giả đến ngày một đông, đặc biệt là giới trẻ. Người ta cứ nói công chúng quay lưng với nghệ thuật cổ truyền nhưng tôi thấy nếu làm nghiêm túc, chân thực thì ngược lại là đằng khác. Quan trọng là phải diễn làm sao cho người ta không thấy chán. Còn nghệ sĩ Thu Phương, một học trò của nhạc sĩ Thao Giang chia sẻ: “Thầy Thao Giang là người giàu tâm huyết. Nhờ có thầy mà lứa học trò chúng tôi trưởng thành, trở thành những người có đóng góp cho nghệ thuật xẩm của Thủ đô Hà Nội”.

Hiện nay, nhạc sĩ Thao Giang vẫn còn rất nhiều trăn trở. Đó là làm sao đào tạo nhiều người trẻ làm đội ngũ kế cận. Công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản âm nhạc dân tộc vẫn gặp rất nhiều khó khăn, kết quả của những người làm công tác này rất ít được người dân biết đến. Song những điều đó không làm chùn bước người nhạc sĩ cả đời đắm đuối với nghệ thuật, âm nhạc truyền thống.