“Đường kách mệnh” với sứ mệnh mở đường

 95 năm trước, mùa xuân năm 1927,  tại Quảng Châu - Trung Quốc, “Đường kách mệnh”, cuốn sách “gối đầu giường” của các nhà cách mạng Việt Nam, đã được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hợp các dân tộc bị áp bức xuất bản.

Một bài giảng trong cuốn “Đường kách mệnh”. Ảnh: TL
Một bài giảng trong cuốn “Đường kách mệnh”. Ảnh: TL

1/Sách tập hợp những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện chính trị cho những cán bộ đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được mở 3 khóa liên tiếp trong hai năm 1925-1926, hàm chứa những tư tưởng lớn mang tính quốc gia và quốc tế vĩ đại về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH của Hồ Chí Minh. 

“Đường kách mệnh” giới thiệu tính chất, nội dung các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, như: Cách mạng Mỹ 1776, Cách mạng Pháp 1789, Cách mạng Nga 1917; giới thiệu về Quốc tế I, Quốc tế II, Quốc tế III... Thông qua những nội dung này, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: Muốn sống thì phải làm cách mạng và muốn làm cách mạng thành công phải có đảng lãnh đạo, có chủ nghĩa Mác - Lênin làm nòng cốt, phải có phương pháp cách mạng..., phải gắn cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới. Người khẳng định: cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp của toàn dân chứ không phải của một vài cá nhân, vì vậy đoàn kết trong đảng, đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho cách mạng Việt Nam... 

2/Cuốn sách không chỉ là tài liệu huấn luyện cán bộ, mà còn là tác phẩm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời, là sự chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này… “Đường kách mệnh” trình bày một cách khái quát những quan điểm cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về con đường cách mạng Việt Nam, con đường: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhưng trước hết phải tập trung vào nhiệm vụ “dân tộc cách mệnh”, giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình, để chuẩn bị những  tiền đề cho cuộc cách mạng thứ hai (thế giới cách mệnh) về chính trị, tổ chức, kinh tế, văn hóa. Đối tượng của “dân tộc cách mệnh” là đánh đổ chính quyền thuộc địa Pháp. Chủ thể là toàn dân tộc, lấy quần chúng công nông làm nền tảng. Thông qua việc đánh giá cao sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước truyền thống và việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, “Đường kách mệnh” chỉ ra lực lượng cách mạng là: Công nông là người chủ cách mệnh “là vì công nông bị áp bức nặng hơn, là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết, là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc”. “Học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”…

Cùng với những định hướng cụ thể về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, lực lượng và tổ chức tiền phong lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, “Đường kách mệnh” cũng đồng thời nêu lên mô hình nhà nước trong tương lai khi cách mạng thành công. Mặc dù đồng ý với tư tưởng dân chủ tiến bộ mà cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp đã tuyên bố trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791, nhưng theo Hồ Chí Minh: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi”, nên: Muốn dân tộc được độc lập, muốn nhân dân lao động khỏi thân phận người nô lệ, thì phải làm cách mạng một cách triệt để, không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, không thể thiết lập mô hình nhà nước cộng hòa tư sản, nơi chính quyền chủ yếu thuộc về giai cấp hữu sản, Người đã viết: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.

3/“Đường kách mệnh”được in tại Quảng Châu. Sau đó, một số được đưa theo đường giao liên bí mật mang về Hà Nội qua đường Cống Chạp Lạng Sơn, một số khác theo tuyến đường thủy Quảng Châu, Hải Phòng, để mang sách về Hải Phòng, Hải Dương, từ đó được bí mật nhân bản phát hành ra cả nước. Từ trước khi có “Đường Kách mệnh”,  những bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên Le Paria, trong cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”…, đều bị chính quyền Pháp và tay sai liệt vào hàng quốc cấm. Ai tàng trữ, sử dụng và truyền bá những tài liệu này, nếu bị bắt có tang chứng, đều bị đưa ra tòa và bị phạt tù. Tuy nhiên, sự ngăn cấm của kẻ thù không cản được lòng say mê của những người yêu nước Việt Nam trẻ tuổi. Họ bí mật truyền tay nhau những sách báo bị cấm ấy và hơn thế nữa, họ tình nguyện tham gia các tổ chức bí mật, tìm đường xuất dương đi tìm chân lý. Đã có tới 75 đồng chí đến được Quảng Châu để tham gia ba lớp huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc. Sau khi dự lớp, đa số hăng hái về nước truyền bá ngay những điều đã học, một số được giới thiệu đi học tiếp ở trường Hoàng Phố, hoặc đi học tiếp ở Liên Xô, rồi trở về nước sau. 

Những hạt giống đỏ ấy cùng với “Đường kách mệnh” và các sách báo cách mạng khác, tạo thành những mạch ngầm, thâm nhập sâu vào phong trào công nhân, nông dân, tiểu tư sản trí thức, từng bước trang bị kiến thức cách mạng cho những con người tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng xả thân vì lý tưởng. Và như thế, “Đường kách mệnh” tiếp tục làm sứ mệnh mở đường đi tới tương lai.  

(Các đoạn trích được lấy từ “Đường Cách Mạng”, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2011, t 2,tr.277).