Cứu môi trường tự nhiên bằng phim tài liệu

Cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường thiên nhiên, Viện Goethe đã kết hợp khởi động dự án “Sản xuất phim tài liệu Sinh thái” trong năm 2021 - 2022. Dự án tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật từ các câu chuyện trong hoạt động của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) và Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (Four Paws Việt). 

Cá thể gấu tên Sáng được hưởng không gian tự do.
Cá thể gấu tên Sáng được hưởng không gian tự do.

Kể câu chuyện của mình

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (thuộc Four Paws Việt) đang nuôi dưỡng 39 cá thể gấu đến từ các trại nuôi nhốt trái phép và thu được từ nạn buôn bán động vật hoang dã... Mỗi cá thể gấu có đặc điểm riêng, câu chuyện riêng. 

Chị Nguyễn Lê Thùy Linh, quản lý truyền thông của Four Paws Việt kể: Vào tháng 10/2020, chúng tôi vượt gần 1.500 km để cứu hộ bảy cá thể gấu bị nuôi nhốt tại hai trại gấu tại tỉnh Bình Dương. Bảy cá thể gấu không có tên mà chỉ được phân biệt bởi mã số chip. Các bạn ấy đã bị nhốt trong những chiếc lồng trên dưới 10 năm. Chúng tôi đặt tên cho bảy người bạn mới là Lâm, Lá, Sáng, Khế, Xoài, Ổi và Dừa. Mỗi cá thể gấu đều có một tính cách và nhu cầu riêng, phần lớn các cá thể gấu từng bị lạm dụng để lấy mật, tất cả bảy bạn đều có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và tâm lý: Sáng bị cụt một tay, Lâm đã mù lòa, Khế bị suy dinh dưỡng trầm trọng, Ổi bị gai cột sống, Lá cực kỳ hoảng loạn và hung dữ…

Sau gần một năm, Khế đã bước ra ngoài khu bán hoang dã và thả mình trên hồ bơi, Ổi và Dừa đã trở thành đôi bạn thân thiết không thể tách rời… Những cá thể gấu này lại một lần nữa được làm những “việc của gấu” như chưa từng phải trải qua địa ngục giam cầm của 10 năm vừa qua. 

Với CCD, một trong những câu chuyện ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa), nơi có giá trị phòng hộ rất cao nhưng đang đối mặt nguy cơ một số diện tích rừng tự nhiên tại vùng đệm bị chuyển đổi sang rừng sản xuất, chủ yếu là trồng cây keo, làm mất nơi sinh sống của muôn loài, mất cân bằng sinh thái; suy thoái nguồn nước và gia tăng thiên tai cực đoan. Năm 2021, CCD đã hỗ trợ Khu bảo tồn trồng mới và trồng bổ sung 45 ha với các loài cây bản địa.

TS Nguyễn Mạnh Hà (Giám đốc CCD) cho biết, hoạt động truyền thông giúp cho mọi người thấy rằng, môi trường đối với chúng ta quan trọng ra sao. Cuộc sống bền vững sẽ quan trọng như thế nào. Ngoài ra, CCD vận dụng du lịch như là công cụ truyền thông và giáo dục. Thông qua các hoạt động du lịch trải nghiệm nâng cao nhận thức của công chúng, giúp cho mọi người hiểu giá trị của thiên nhiên. Bởi vậy, với dự án phim này, CCD kỳ vọng sẽ có những thước phim lan tỏa được thông điệp về bảo vệ môi trường, thiên nhiên. 

Cứu môi trường tự nhiên bằng phim tài liệu -0
Cứu cá thể gấu về chăm sóc tại Bear Sanctuary Ninh Bình. 

Mở thêm cửa cho nhà làm phim độc lập

Ban giám khảo của dự án sẽ chọn hai trong số các nhà làm phim gửi hồ sơ tham dự. Hạn nộp cuối vào 23 giờ 59 phút, ngày 24/1. Mỗi nhà làm phim được chọn sẽ nhận số tiền hỗ trợ 7.000 euro (tương đương 185 triệu đồng) để sản xuất một bộ phim với độ dài tối thiểu 24 phút, tối đa 30 phút cùng với ít nhất 15 ảnh cho mục đích truyền thông. Ngoài ra, còn có thêm yêu cầu là biết sáng tạo trong cách kể chuyện, tôn trọng sự thật và không có những câu chuyện bịa đặt.

Đạo diễn Phan Đăng Di - thành viên ban giám khảo chia sẻ, trên thế giới đây là mảng đề tài được các nhà làm phim khai thác rất hay và có tính hấp dẫn lớn. Nhưng thật sự ở Việt Nam chưa nhiều những loại phim đi vào mảng đặc biệt như thế này. Các nhà làm phim cần có kịch bản đủ rõ ràng để phục vụ chủ đề, các ý tưởng có thể thực hiện dễ dàng.

Một thành viên giám khảo khác, NSND Nguyễn Như Vũ (nguyên quyền Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư) cho rằng, dự án rất hấp dẫn vì có kinh phí, khi phim làm xong sẽ được quảng bá rất rộng rãi tại liên hoan phim về môi trường do Viện Goethe tổ chức đã hơn 20 năm và có uy tín quốc tế lớn.  Ngoài ra, có thể gửi đến các liên hoan phim khác. Người làm phim cũng sẽ được tham dự hai hội thảo cùng các chuyên gia đầu ngành về làm phim tài liệu của châu Âu.

Những người thực hiện dự án tin tưởng vào sức mạnh của phim tài liệu trong việc lan tỏa tri thức và thông điệp về bảo vệ phúc lợi động vật. Bởi vấn đề phúc lợi động vật tại Việt Nam chưa được quan tâm thỏa đáng, nên dự án hy vọng được kể những câu chuyện thật về một vấn đề thật.