Cửa hàng nhỏ, thổ cẩm đi xa

Làm đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, tôi gặp được Rơ Mah H’Tuyết, một nhân viên thư viện Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Phú Thiện. H’Tuyết nhiệt tình, giàu ý tưởng và rất yêu thổ cẩm dân tộc Jrai. 

Cửa hàng nhỏ của H’Tuyết được nhiều người tìm đến đặt may các bộ trang phục dân tộc.
Cửa hàng nhỏ của H’Tuyết được nhiều người tìm đến đặt may các bộ trang phục dân tộc.

1/Cô không biết dệt thổ cẩm như bà ngoại, mẹ và các chị em gái trong dòng họ Rơ Mah nhưng từ bé đã rất thích các lễ hội của dân tộc mình, thích múa hát, thích những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt với nhiều hoa văn trang trí rực rỡ. Những tấm thổ cẩm cùng những hoa văn rực rỡ như tia mặt trời, hoa lớn, hoa bé, bó lúa, cái liềm, chiếc gùi, nhà sàn, nhà rông, cái cây, người múa xoang, cây nêu, con ếch… đã ngấm vào cô bé và nuôi dưỡng sở thích cắt, ráp trang phục - những bộ trang phục vừa truyền thống vừa hiện đại, phù hợp thị hiếu người sử dụng hiện nay trên chất liệu thổ cẩm Jrai Chor vùng đất Phú Thiện. 

H’Tuyết đã mở cửa hàng “H’Tuyết thổ cẩm Jrai”, chuyên may mặc và mua bán các mặt hàng thổ cẩm tại thị trấn Phú Thiện. Mẹ cô, bà Rơ Mah Je đã truyền cảm hứng mãnh liệt để H’Tuyết theo đuổi đam mê đến cùng. Bà Je trước kia là người dệt vải khéo nhất làng, những hoa văn đẹp, khó như hoa lớn, người múa xoang, bó lúa bà đều rành rẽ. Mỗi khi bà dệt xong một tấm thổ cẩm, H’Tuyết chăm chú nhìn cách mẹ cắt, ráp áo, váy, cách trang trí tua rua nơi mép váy, đuôi khố, cách viền cổ, làm khuy áo bằng hạt gỗ, bằng những sợi vải… H’Tuyết học mẹ rất nhanh cách may vá, đặc biệt cô luôn biết chọn những dải hoa văn để trang trí tạo điểm nhấn trên thân áo nam, cổ áo, mép khố, hai bên mép khố, mép áo, thân và chân váy… Trên nền vải đen những dải hoa văn đa sắc đỏ, vàng, xanh, trắng rất nổi bật trông rất thu hút.  

2/Chiếc áo đầu tiên cô thiết kế, cắt may là cho cha mình. Đó là một tấm thổ cẩm mẹ cô dệt trong gần hai tháng. Khi ấy, cô chưa một ngày học cắt may mà tự suy nghĩ, cắt theo một chiếc áo của một người bà con nam trong dòng họ. Khó nhất là phần cổ áo, cô loay hoay tìm cách khoét chiếc cổ bằng cách úp chiếc tô vào vẽ và khoét tròn rồi may viền chỉ lại. Đó là một chiếc áo nam dài tay may theo kiểu truyền thống đặc trưng của người Jrai vùng Phú Thiện với thân sau dài hơn thân trước và có tua rua sợi nhiều mầu sắc. Hoa văn chạy dưới gấu áo, tay áo và chạy viền ở cổ. Giữa ngực đáp một miếng vải đỏ hình chữ nhật tượng trưng cho mầu lửa và mặt trời, tượng trưng cho sức mạnh. Cô bảo, lúc làm sản phẩm đầu tiên thấy mình thật vụng về nhưng khi hoàn thành ngắm nhìn nó rất thích thú. Và cha cô, ông Rơ Lan Cơ rất quý món quà con gái tặng.

Ông Rơ Lan Cơ rất am tường văn hóa dân gian của dân tộc Jrai, ông kể cho tôi nghe về những lễ cúng của người Jrai, những bài thuốc nam, những bài hát dân ca, bài cúng cầu Yang xin sức khỏe, bình an, no ấm, mùa vụ bội thu. H’Tuyết bảo: Nhờ có bố mà em thêm yêu văn hóa dân tộc mình, em hát dân ca hay là nhờ bố, em thích may vá thổ cẩm là nhờ bố và mẹ. Em rất tự hào vì mình đang quảng bá thổ cẩm Jrai quê em đến khắp mọi người trong và ngoài tỉnh. 

3/Một chiếc máy may, một máy vắt sổ, vải thổ cẩm dệt thủ công có, lấy vải dệt máy công nghiệp có, ai cần may gì cô nhận thiết kế và may cho khách. Cô tìm một số mẫu hoa văn đẹp của người Jrai vùng Ayun Pa, Ia Pa, Krông Pa, thành phố Pleiku, nhờ các chị em dệt giỏi trong làng dệt thủ công thành tấm vải. Cô còn nhờ các bạn giỏi mỹ thuật vẽ lại y mẫu hoa văn trên máy tính rồi thuê máy dệt công nghiệp dệt thành từng tấm lớn/nhỏ trên chất liệu sợi chỉ, sợi len đủ mầu nền để tiện cho khách lựa chọn. 

Từ khi mở tiệm may nhỏ tại nhà, cô làm không hết việc, xong việc ở trường học, H’Tuyết dành hết thời gian cho cắt may đồ cho khách trong huyện, khách các vùng khác và khách ở TP Hồ Chí Minh tìm ra. Cô kể, năm 2003, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Phú Thiện có kế hoạch may đồng phục cho các em học sinh và giáo viên trong trường. Biết H’Tuyết có tiệm may đồ thổ cẩm, nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ. Hơn 300 bộ váy, áo là đơn hàng lớn nhất lần đầu tiên trong đời cô nhận may. Đồ may xong, thầy trò mặc ai cũng thấy đẹp, cũng thấy thích. Từ đó các thầy cô đặt may thêm để đi đám cưới, đi lễ, tặng cho người thân, người này giới thiệu cho người kia, tiệm may của H’Tuyết càng lúc càng nhận nhiều đơn hàng và cô có hôm làm đến 5 giờ sáng để kịp giao hàng cho khách gần xa. 

Khi tôi chia sẻ ý tưởng muốn cùng cô thiết kế và ứng dụng một số mẫu hoa văn Jrai độc đáo của vùng Jrai Phú Thiện để tạo một số sản phẩm làm quà kỷ niệm cho khách du lịch khi đến Gia Lai: như khăn trải bàn, túi, áo khoác nam/nữ cách tân, chân váy, khăn quàng cổ…, cô thích thú vô cùng. Tôi luôn tin những người trẻ tuổi chọn “khởi nghiệp” từ vốn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình sẽ thành công. Càng biết quý trọng, càng biết khai thác đúng hướng thì nó càng đem lại nhiều giá trị lợi ích cho cộng đồng, cho dân tộc.