Viết trong vùng dịch:

Cây yêu thương nở hoa hạnh phúc

Hai năm ròng rã, thiên tai hoành hành trên dải đất miền trung. Dịch bệnh bùng phát ở rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Có những lúc, tưởng chừng như không đứng dậy được. Nhưng người Việt Nam thương nhau, hàng nghìn năm lịch sử dân tộc thì có chừng ấy thời gian người Việt Nam tạo nên huyền thoại về lòng yêu thương.

Cây yêu thương nở hoa hạnh phúc

1/Có những lời lẽ gọi việc người dân từ thành phố trở về quê trong dịch bệnh là cuộc “tháo chạy”. Tôi không đồng quan điểm với cách gọi này. Mặc dù có gấp gáp nhưng không đến mức ấy. Người dân vẫn gói ghém đồ đạc, vẫn sắp xếp tư trang, vật dụng. Kể cả vật nuôi trong gia đình như chó, mèo… cũng được mang theo thì nó không thể gọi đó là cuộc “tháo chạy”. Từng dòng người, có khi bất tận, nhưng có trước có sau, có lề lối, không giẫm đạp lên nhau… sự trở về quê hương của người dân trong đại dịch là cố gắng lớn để sống bằng lương tri của mình, bằng tình yêu thương của mình đối với quê hương và Tổ quốc. Về để tiếp tục sống, để xây dựng ngày mai.

2/Ở dải đất miền trung nắng gió, từ sáng sớm tinh mơ, nhà báo Lâm Quang Huy, phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân cùng con trai với những thùng cam đường - món quà cho các cháu thiếu nhi ở khu cách ly tập trung của thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ - tỉnh Quảng Trị) khiến mọi người nhớ mãi. Trên quốc lộ 1A, địa phận qua tỉnh Quảng Trị, có khi mưa, khi nắng, nhà báo Nguyễn Đặng Hạnh Phúc, phóng viên thường trú của báo Thanh Niên tại Quảng Trị cùng nhà thơ Bùi Viết Anh chở thùng phong bì vừa mới huy động được ra đặt ở vị trí thuận tiện với dòng chữ rất to “mỗi gia đình về quê trong mùa dịch hãy nhận lấy một phong bì 500 nghìn đồng”. Trong suối người đi, lần lượt từng chiếc xe dừng lại, lần lượt từng người đại diện cho gia đình mình đến nhận phong bì rồi lại lên xe tiếp tục hành trình về quê. Trình tự, ngăn nắp trong khi người rất đông đúc. Hình ảnh ấy khiến khóe mắt của mọi người rất cay. Không ai quen ai nhưng họ biết nhau bởi con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Anh Hạnh Phúc tâm sự với tôi rằng, chúng tôi bỏ tiền ra, anh em hảo tâm tự nguyện đóng góp thêm với mong muốn tiếp thêm sức cho người dân trên hành trình về nhà. Anh em chúng tôi là một nhóm nhỏ. Vì thế chúng tôi cũng chỉ làm việc rất nhỏ. Chúng tôi nói với nhau rằng, giúp đỡ những người từ miền nam về quê là chúng tôi đang tự giúp mình, làm cho trái tim mình bớt nghẹt thở. Có thêm tiền, họ có thể đổ xăng, mua thứ mình cần dùng. Họ trở về nhà bình an là hạnh phúc của rất nhiều người rồi. Nhà thơ Bùi Viết Anh, người từ năm này qua năm khác đỡ đầu cho trẻ em mồ côi, giúp đỡ người nghèo, anh chia sẻ với chúng tôi rằng, rất giản đơn, xưa nay người Việt Nam có thì chia nhau ăn, có ít ăn ít với nhau. Trong khó khăn càng cần sự giúp đỡ. Không chỉ riêng chúng tôi, rất nhiều bà con trên cả nước đều san sẻ, giúp đỡ cho nhau lúc khó khăn.

Đường về nhà, con đường xa xôi, vất vả nhưng cũng đầy tình người. Thật diệu kỳ khi trong khó khăn, thậm chí là nguy hiểm như đại dịch Covid-19 thì “cây yêu thương” lại nở rộ hoa hạnh phúc. Người dân về quê suốt dặm đường dài khóc vì nhận hộp cơm, chai nước. Xúc động vì tấm áo mưa, chỗ nhà trú tạm. Hạnh phúc khi xe hư hỏng trên đường được người sửa chữa giúp, có người được tặng xe để tiếp tục hành trình về nhà khi xe hỏng không thay thế được. Một thông báo trên facebook của anh Ngọc Vũ, phóng viên thường trú báo Nông thôn ngày nay - Dân Việt tại Quảng Trị được rất nhiều người lưu tâm: “chúng tôi có một chiếc xe Attila vẫn chạy tốt, các anh em ở chốt, trạm… nếu phát hiện có người cần hỗ trợ xe thì liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại… chúng tôi sẽ mang đến tận nơi…”.

Cây yêu thương nở hoa hạnh phúc -0
Nhà báo Lâm Quang Huy (trái), phóng viên thường trú Báo Nhân Dân và con trai tặng quà cho trẻ em ở khu cách ly tập trung thị trấn Cam Lộ. 

3/Các tỉnh đều có phương án đón dân trở về quê vừa lo cho dân đi ngang qua địa phận của mình. Mọi thứ được gói ghém trong hai từ “yêu thương”. Người ta sẽ còn nhớ những đoạn đường mà mình đi qua. Ở đó có người tiếp thêm xăng khi xe hết nhiên liệu, ở đó có người phát sữa cho trẻ em và người già, ở đó có người mẹ sinh con ra, ở đó có người ở nhìn người đi với đôi mắt rướm lệ. Những niềm vui, nỗi buồn, niềm hạnh phúc mà ngày sau chắc chắn sẽ còn nhiều người nhớ đến. “Việt Nam thương nhau như hành trang”, đó là tâm niệm để mỗi con người tiếp nối trên con đường hạnh phúc đầy yêu thương và lòng trắc ẩn.