Bình dị đời người với dòng sông

Hành trình rong ruổi 4.200 km dọc dòng sông Mê Công của nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt Lâm Đức Hiền được tái hiện sống động qua triển lãm ảnh “Mê Công - Chuyện đôi bờ” diễn ra tại Viện Pháp (L’espace  - Hà Nội) từ ngày 14-5.

Người tham quan triển lãm.
Người tham quan triển lãm.

1/Mê Công là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc, qua các nước Lào, Myanma, Thái-lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Đi qua nhiều quốc gia vùng Đông - Nam Á nên đời sống và sinh hoạt của những cuộc đời dọc hai bờ sông này lúc nào cũng sống động, khơi gợi nhiều xúc cảm.

Từ những suy nghĩ đó cùng sự gắn bó bởi tình yêu đất mẹ và dòng sông tuổi thơ, Lâm Đức Hiền - nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt đã thực hiện hành trình dọc Mê Công để ghi lại khoảnh khắc bình dị nhưng đắt giá của cuộc sống ở hai bên bến bờ. Chuyến lữ hành này mang ý nghĩa đặc biệt với ông, bởi trong chuỗi ký sự bằng hình ảnh của triển lãm “Mê Công - Chuyện đôi bờ” không chỉ có ký ức cá nhân của tác giả mà còn là sự hòa quyện cùng ký ức tập thể của những con người sống bên sông và dựa vào sông và cả chính những con người ngắm nhìn cuộc sống ấy từ xa. Trong hơn 30 tác phẩm được trưng bày, nhiếp ảnh gia đã “Động” đến người xem bằng những cảm xúc diệu kỳ thông qua từng bức ảnh “Tĩnh”. Đó là cuộc sống vội vã của chuyến ghe tàu trong cơn mưa, là sự bình yên bên bữa cơm gia đình trên sông, là những giây phút bình dị của lũ trẻ vui vẻ với thiên nhiên, là sự huyền bí mang nét hùng vĩ của cao nguyên vùng Tây Tạng, hay đơn giản hơn là đám cưới làng quê mộc mạc đậm chất miền Tây Nam Bộ.

2/Đam mê, tâm huyết, tình cảm của nhiếp ảnh gia đã được nhiều độc giả đón nhận. Chị Trần Hồng Dương, khách tham quan triển lãm cảm nhận, những bức ảnh dường như đem đến cho chị một cảm giác không hề có ranh giới tồn tại giữa con người và thiên nhiên nơi đôi bờ sông Mê Công này. Con người sinh ra và lớn lên, già đi bên dòng sông, họ gắn bó cả cuộc đời của mình tại đây và như một lẽ tự nhiên: hai yếu tố đan xen, hòa lẫn vào nhau. Cũng là một người có kỹ năng quay phim, chụp ảnh, chị Dương chia sẻ thêm: Có lẽ vì dụng ý muốn người xem có cái nhìn chân thực nhất nên trong những bức ảnh chân dung, nhiếp ảnh gia thường sử dụng ống kính 50 - 55 mm để gắn kết đôi mắt của người xem với tác giả - cùng nhau cảm nhận sâu sắc các nhân vật trong bức ảnh. 

Tham quan tại triển lãm, chị Trần Ngọc Lan chia sẻ: “Trước đây, mình chỉ biết đến dòng sông Mê Công thông qua sách vở và môn học Địa lý, bản thân cũng chưa từng có trải nghiệm thực tế ở sông Mê Công. Nhưng thông qua triển lãm mình đã biết được nhiều hơn về nét văn hóa của các dân tộc vùng Đông - Nam Á. Mình đặc biệt ấn tượng với bức tranh ghi lại khung cảnh cả gia đình quây quần bên bữa cơm trên ghe tàu lúc tối muộn. Khoảnh khắc tuy bình dị nhưng lại mang đến cho người xem cái nhìn thân thương, chân thực đầy phóng khoáng về cuộc sống “nhà” của những con người trên sông”.

3/Triển lãm “Mê Công - Chuyện đôi bờ” của nhiếp ảnh gia sinh năm 1966 Lâm Đức Hiền, không chỉ đơn giản là một chuyến phiêu lưu, khám phá ghi lại khoảnh khắc trong cuộc sống mà hơn hết là sự giao thoa giữa các nền văn hóa Đông - Nam Á: Từ thượng nguồn Tây Tạng, dọc theo chiều dài sông Mê Công qua Lào, Myanma, Thái-lan, Campuchia để về đến Việt Nam. Mang theo đó là dòng chảy lịch sử khắc khoải với những bức ảnh tư liệu trắng được nhiếp ảnh gia đan xen xuyên suốt trong khu trưng bày. Tác giả còn đem đến cho người xem một góc nhìn nhân văn về sự hòa hợp gắn kết giữa con người và thiên nhiên, giữa các sắc tộc, mầu da, tôn giáo. Nhìn ở khía cạnh nào cũng thấy được “hồn nghệ sĩ” sâu sắc thông qua những khung cảnh cuộc sống ven sông rất đời thường.

Triển lãm “Mê Công - Chuyện đôi bờ” nằm trong số các hoạt động của Tháng nhiếp ảnh do Viện Pháp khởi xướng nhằm kết nối công chúng với những khía cạnh đa dạng của nhiếp ảnh. Triển lãm được mở cửa tự do đến ngày 11-6.