Bảy, tám mươi vẫn “hồi xuân” thơ

Năm, bảy năm về trước, khi còn ở phố Yên Lạc (Hà Nội), mỗi lần ra sách, Giáo sư (GS) lại gọi điện và tặng chúng tôi khi thì “Tài năng và danh phận” (bút ký), “Ngàn dặm xa trên xứ người” (du ký), “Lạc lối giữa mùa xuân” (thơ), “Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật” (hồi ký)…

Tác giả (bên phải) cùng đồng môn lớp K17, Đại học Tổng hợp (trước đây) thăm GS Hà Minh Đức.
Tác giả (bên phải) cùng đồng môn lớp K17, Đại học Tổng hợp (trước đây) thăm GS Hà Minh Đức.

1/Tôi cùng nhóm bạn K17 Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (trước đây) rủ nhau sang Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) thăm GS Hà Minh Đức - Thầy chủ nhiệm thời đại học của chúng tôi. Tuổi 87, mắt thầy có kém và chậm hơn, nhưng giọng nói thì vẫn trầm ấm như ngày nào. Pha nước mời chúng tôi xong, thầy vào phòng lấy ra mấy quyển sách và tặng mỗi đứa một tập truyện ngắn vừa xuất bản cuối năm 2020 “Về một tình yêu chia sẻ”. 

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với công tác giảng dạy, đào tạo và hoạt động nghiên cứu lý luận và phê bình văn chương , không kể hướng dẫn thành công 20 tiến sĩ, GS Hà Minh Đức đã cho ra mắt hơn 70 đầu sách có giá trị. Hơn 15 năm trở lại đây ông “trình làng” hàng chục tập ký, thơ và truyện ngắn, trong đó đáng kể là “Đi hết một mùa thu” (thơ) “Ba lần đến nước Mỹ” (bút ký), “Khoảng trời gió cát bay” (thơ), “Người của một thời” (bút ký), “Lạc lối giữa mùa xuân” (thơ), “Pari - hai mùa thu gặp lại” (bút ký)… 

Có năng lực của một nhà nghiên cứu, GS Hà Minh Đức cũng là con người có trái tim đa cảm, quan sát tinh tế nên ở các thể loại và đề tài khác nhau, ông đều có những thành công nhất định. Đó là hình ảnh vất vả kiếm sống nhưng có nhiều hiểu biết về vùng đất, các phong tục, tập quán và con người của anh xe ôm, bác đạp xích-lô hay ông thợ cắt tóc trong “Tản mạn đầu ô”. Tập bút ký “Đi một ngày đàng”, GS Hà Minh Đức ghi lại những cuộc hội thảo, giao lưu gặp gỡ giữa các nhà khoa học xã hội và giới văn chương, học thuật. Lại có cụm bài về những chuyến công du, thăm thú các vùng, miền trong nước và nước ngoài với lối kể chuyện đủng đỉnh, có duyên kèm theo những nhận xét, bình luận sắc sảo và hóm hỉnh có sức lôi cuốn khi ông viết về TP Hồ Chí Minh, Hội An, Phong Nha Kẻ Bàng hay sự cổ kính của thủ đô Bắc Kinh, vẻ đẹp quyến rũ của thành phố Xanh Pêtécbua (Liên bang Nga). Đi nhiều, đọc nhiều và quan hệ rộng, nhất là đối với các nhà văn, nhà thơ lớp trước nên GS Hà Minh Đức có những trang bút ký sinh động, chân tình khắc họa được hồn cốt của các nhân vật nổi tiếng như: nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Tô Hoài, các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên…

2/GS Hà Minh Đức sáng tác thơ khi mái tóc đã pha sương, vào tuổi “thất thập” và đến nay ông đã có tám tập thơ, nào “Đi hết một mùa thu”, “Ở giữa ngày đông”, rồi “Tầm xuân nhớ nắng”, “Chiều miên man gió”, “Lạc lối giữa mùa xuân”… Nhà thơ lớn Huy Cận lúc sinh thời coi thầy Hà Minh Đức là tri âm tri kỷ ở ngoài đời và cả trong thơ. Đến với thơ khi tuổi đã cao, nhưng nguồn mạch thi ca trong thơ của thầy đã được tích tụ từ thời trai trẻ và tuổi trung niên nên người đọc dễ nhận ra sự giản dị, chân tình, nhiều suy tư hoài niệm và phảng phất một nỗi buồn.

Sống nơi phồn hoa đô hội, nhưng GS Hà Minh Đức luôn canh cánh trong lòng về người mẹ gần trăm tuổi nơi quê nhà - người từng tảo tần khuya sớm chăm sóc, nuôi nấng mình ăn học nên người “Nhớ mẹ những ngày đông/Lòng se lại trong chiều giá lạnh/Ngoài mưa gió cỏ cây nghiêng ngả/Như một đời mẹ vất vả lo toan”. Trong tập thơ “Đi hết một mùa thu” hay “Ở giữa ngày đông” chủ đề về nỗi niềm thương nhớ những kỷ niệm đã qua, hình bóng nhân vật trữ tình “em” được tác giả gửi gắm nhiều cảm xúc sâu đậm. Ở đây là những câu thơ trữ tình lãng mạn của một người đã trải nghiệm hoài niệm về tình yêu thời trai trẻ “Tình yêu bước vào vòng đắm đuối/Nhớ em ngày tháng suốt đêm thâu” hay “Tôi tìm em giữa khoảng cách chơi vơi/Hay chốn sâu ký ức ngậm ngùi”, hoặc “Mùa đông ơi xa cách quá chừng/những kỷ niệm rung chuông thời trai trẻ”… Còn trong tập truyện ngắn “Về một tình yêu chia sẻ” gồm hơn 30 truyện xuất bản mới đây là những câu chuyện mà tác giả được chứng kiến hoặc nghe thấy đang diễn ra trong cuộc sống của nền kinh tế hàng hóa hôm nay. Đó có thể là “Một chuyện bất ngờ”, “Cơn mưa chiều”, “Một tình yêu chia sẻ”, “Cổ tích của đời thường”… có độ dài chỉ sáu, bảy trang sách (còn gọi là truyện ngắn mini) và được kết cấu theo kiểu tuyến tính, dễ đọc.

Gần vào ngưỡng tuổi 90, GS Hà Minh Đức tuy có phần “chân yếu, mắt mờ, tóc bạc” nhưng chúng tôi - lứa sinh viên gần 50 năm trước do thầy chủ nhiệm, vẫn luôn nghĩ về ông: một nhà giáo dục, một nhà nghiên cứu, phê bình tài năng, một nhà văn đam mê sáng tạo.