Bất cập trong tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, người nắm giữ, thực hành di sản là nhân tố quan trọng nhất. Với các nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể cần có những chính sách vừa cụ thể, vừa tổng thể có tính lâu dài. Nhưng đây dường như lại đang là hạn chế chậm khắc phục.

Nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Hữu Quả.
Nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Hữu Quả.

Một danh hiệu đang có hai Nghị định

Ngày 15/12/2020, sau bao mong ngóng, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả ở làng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) cũng được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Đợt tháng 12/2020, Bộ Công thương trao tặng, truy tặng danh hiệu cho 77 Nghệ nhân Nhân dân (NNND) và NNƯT. Các nghệ nhân này được tôn vinh theo Nghị định số 123/2014/NĐ-CP xét tặng danh hiệu NNND và NNƯT trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ truyền thống. Phần lớn các nghệ nhân khác trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) lại được tôn vinh theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước đó, qua hai đợt xét phong tặng danh hiệu năm 2015 và 2019 theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, đã có 1.253 cá nhân được phong tặng danh hiệu, trong đó có 66 NNND và 1.187 NNƯT.

Đang có đồng thời hai Nghị định do hai bộ phụ trách trong hệ thống xét tặng danh hiệu nghệ nhân DSVHPVT từ địa phương tới trung ương. Có hai hội đồng xét chọn của hai bộ trước khi trình Chủ tịch nước quyết định phong tặng. Tiêu chí để xét chọn tôn vinh cũng có những khác biệt khi cùng hướng đến một danh hiệu. Điều này gây bất cập khi một đối tượng vừa thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống vừa thuộc lĩnh vực tri thức dân gian (như ẩm thực chẳng hạn) có thể nộp hồ sơ ở hai nơi mà vẫn hợp lệ theo hai Nghị định. Điều này cũng không khó hiểu do tính chất đan xen và liên quan giữa các loại hình của DSVHPVT, nhưng cũng gây khó khăn đáng kể cho hội đồng xét phong tặng danh hiệu.

Chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập

Nghệ nhân thực hành được ví như những “báu vật nhân văn sống”, “bảo tàng sống”, “kho tàng di sản văn hóa sống”. Một nghệ nhân mất đi được ví như một thư viện bị cháy. Trước hết, họ cần được trân trọng và hỗ trợ.

Sau khi nhận danh hiệu, trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cũng giãi bày về việc vẫn hằng ngày cần mẫn duy trì vốn cổ bằng việc tự bán tranh cho khách đến nhà mua hoặc đặt, việc truyền nghề cũng chỉ trong phạm vi gia đình. Với các nghệ nhân tranh Đông Hồ khác là Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Thị Oanh, dù quy mô in và bán tranh có khác nhau nhưng phương thức làm nghề và kinh doanh cũng tương tự như nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả. Tranh Đông Hồ dù đã được tôn vinh và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để được UNESCO ghi danh vào danh sách DSVHPVT của nhân loại nhưng các nghệ nhân vẫn phải tự bươn trải mưu sinh với tranh truyền thống. Việc quảng bá, truyền dạy, thực hành vốn cổ hầu như hoàn toàn tự phát. Nhìn rộng hơn, các chính sách đối với nghệ nhân thực hành DSVHPVT cũng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Các chính sách liên quan tới nghệ nhân được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa và thi đua khen thưởng đang tỏ ra chưa thiết thực đối với nghệ nhân mà thường chỉ dừng ở nhóm chính sách tôn vinh và an sinh xã hội. Hệ thống văn bản thiếu đồng bộ và không kịp thời, chưa thu hút, thúc đẩy sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò của nghệ nhân nói riêng và DSVHPVT nói chung vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. 

Còn có thể thấy các chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân thường được thực hiện ở các địa phương theo công thức áp dụng cho “hộ nghèo” (xem xét đến các tiêu chí mức sống mà không chú ý yếu tố quan trọng là tài năng và giá trị, mức nguy cấp) và cũng chỉ tập trung vào các nghệ nhân có danh hiệu mà chưa khuyến khích bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT nói chung. Có những nghệ nhân tiêu biểu qua đời mà chưa nhận được sự tôn vinh và chính sách đãi ngộ xứng đáng. Nhiều nghệ nhân vẫn đang gặp khó khăn không chỉ trong hoạt động thực hành DSVHPVT mà còn ngay trong cuộc sống - họ không thuộc các cơ quan nhà nước, không có lương, ít được hưởng chính sách xã hội, nhiều người sống ở các vùng dân tộc thiểu số, còn nhiều khó khăn... Vì những lẽ đó, DSVHPVT do họ đang nắm giữ chưa thể được phát huy như mong muốn.

Chỉ một số ít địa phương có được những thành công như ở Phú Thọ đã đưa được Hát xoan ra khỏi danh sách DSVHPVT của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. UBND tỉnh đã phong tặng danh hiệu cho 66 nghệ nhân qua ba đợt (các năm 2012, 2015 và 2018). Ngoài việc hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho nghệ nhân và những người tham gia các lớp truyền dạy, mỗi phường Hát xoan được tỉnh hỗ trợ 170 triệu đồng để làm quỹ hoạt động… 

Theo TS Phạm Cao Quý (Cục Di sản văn hóa): Với các nghệ nhân trong lĩnh vực DSVHPVT, cần sửa đổi bổ sung những nội dung trong Luật Di sản văn hóa và Luật Thi đua khen thưởng về chính sách tôn vinh. Các đối tượng được tôn vinh không chỉ là nghệ nhân bằng các danh hiệu mà còn có người thực hành, người có công, cộng đồng bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT.