Vua Thành Thái và cái án đế vương

Chấp nhận bị phế truất khỏi ngai vàng để bước vào cuộc lưu đày biệt xứ ở đảo La Réunion (Phi châu), thay vì làm ông vua bù nhìn dưới ách cai trị của thực dân Pháp, trong những ngày tháng lưu vong, cựu hoàng Thành Thái đã chọn lao động chân tay, tự nuôi sống gia đình thay vì nhận ân huệ từ chính quyền bản xứ. Cho đến chết, ông vẫn “sống kiêu hãnh với hùng khí trường tồn”.

Vua Thành Thái và cái án đế vương

Bằng nghệ thuật trần thuật độc đáo, chân dung cựu vương, hoàng tử Bửu Lân trong tiểu thuyết “Vua Thành Thái” của Nguyễn Hữu Nam (NXB Văn học & BestBooks, 2021) hiện ra sống động đến xót xa. Sự thật lịch sử và hư cấu tiểu thuyết nhòe mờ, khi cuộc đời nhà vua không chỉ hiện dần lên qua những ghi chép lịch sử hay những “lời đồn”, mà còn qua lời kể của hoàng tử Vĩnh Giu, một nhân chứng sống, một nạn nhân liên đới của những biến cố cung đình, những thăng trầm thời cuộc gắn liền vận mệnh của xứ sở. Nhờ hình thức kể chuyện đa điểm nhìn, đa chủ thể trần thuật, sức hấp dẫn của tác phẩm lúc này không chỉ đến từ những sự kiện dễ dàng tìm từ tư liệu, sử sách; mà còn từ tính mờ ảo, khó kiểm chứng của những thâm cung bí sử, những nội tình khuất lấp trong cuộc đời riêng của một phế đế. Cái cách Nguyễn Hữu Nam vẽ nên chân dung Vua Thành Thái trong những ngày tháng lưu đày, trong thân phận người chồng, người cha vừa kiêu hãnh, vừa khổ sở bởi những toan tính cơm áo đời thường, bởi những mật đắng của thứ đòn thù hung hiểm, trước khi vén dần, khắc tạc nét tài hoa, khí phách của vị vua thứ 10 triều Nguyễn, cũng khiến cuốn tiểu thuyết lịch sử này đậm tính hiện đại và giàu chất điện ảnh. 

Với 13 chương, 13 mảnh ghép của vô vàn sự kiện, tình huống được tháo tung, xáo trộn, gắn với các mảnh không gian, thời gian rời rạc, phi tuyến tính, tiểu thuyết “Vua Thành Thái” của Nguyễn Hữu Nam đã đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cách đặt tên chương tinh, gọn và đầy ám dụ như Bắt cóc, Ám sát, Trò đời, Cơn điên, Phản kháng… hay cách mở đầu tiểu thuyết từ nghi vấn về “một âm mưu được ngụy trang bằng tai nạn hàng không” cũng khiến tác phẩm ít nhiều mang màu sắc trinh thám. Trong tác phẩm của Nguyễn Hữu Nam, Vua Thành Thái không chỉ là một yếu nhân của triều Nguyễn, mà còn là một người An Nam da vàng suốt đời đã phải cõng cây thập giá gắn với cái án đế vương và những ngày tháng bị giam hãm, từ nơi hoàng cung đến chốn lưu đày. Ở đó, ông mang nỗi đau đáu dằn vặt cả thể xác lẫn tâm hồn của kẻ đổi vận bất thành, mang nỗi trăn trở ưu tư của kiếp nhân sinh hệt như gánh nặng thế nhân chất cả lên đôi vai phế đế, như khổ nạn mà ông buộc phải hoàn tất khi trải qua kiếp làm người. Nguyễn Hữu Nam đã khẳng định được phong cách và lối đi riêng khi chọn kiểu viết ngắn và quan tâm đến các vị vua cuối triều Nguyễn, khẳng định một xu hướng viết tiểu thuyết lịch sử mới của các tác giả trẻ.