Viết bằng rung cảm tinh tế

“Từ trang sách đến gương mặt văn chương” là tập tiểu luận phê bình văn học của nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam vừa được Công ty cổ phần Sách Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn ấn hành, tập hợp 29 bài viết trong những năm gần đây của anh. Sách chia làm hai phần, “Từ những trang sách” gồm 18 bài viết và phần “Những gương mặt văn chương” gồm 11 bài viết.

Viết bằng rung cảm tinh tế

Nhìn lướt qua các nhan đề, có thể thấy ngay Nguyễn Hoài Nam là người đọc rộng, nhiều mảng, nhiều khu vực trong văn chương và điều này tạo ra sự rộng mở trong các đề tài. Các gương mặt văn xuôi Việt Nam được nhắc tới trong tập sách đều tiêu biểu, độc đáo trong khoảng hơn 30 năm trở lại đây. Đó là Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Vũ Bão, Hồ Anh Thái. Gần hơn chút nữa là Đỗ Phấn, Cao Duy Sơn, Văn Chinh, Đỗ Tiến Thụy… Nguyễn Hoài Nam cũng quan tâm đến những gương mặt trẻ mà anh gọi là những vệt sáng của văn học nếu nhìn theo từng năm, chẳng hạn hai cây bút Đinh Phương và Huỳnh Trọng Khang. Với văn xuôi thế giới, Hoài Nam có các bài viết thú vị về Irene Nemirovsky (Pháp), Joseph Heller (Mỹ), Philip Roth (Mỹ) qua những tiểu thuyết gây tiếng vang đã được dịch sang tiếng Việt. Không chỉ viết về truyện ngắn, tiểu thuyết, Hoài Nam còn “tung hoành” sang cả địa hạt thơ với những góc nhìn sắc sảo, chẳng hạn như những phát hiện mới mẻ về  thơ thiền Lý Trần (bài “Một đặc phẩm của thơ Việt”).

Đọc rộng là một nhẽ, nhưng quan trọng hơn là phải đọc kỹ để từ đó có những phát hiện mới, mang lại hứng thú cho người đọc. Nguyễn Hoài Nam theo tôi đã làm được điều ấy khi gọi ra được cái riêng của mỗi tác phẩm. Chẳng hạn, cùng viết về Hà Nội nhưng với Đỗ Phấn là “sự trải đời đến lọc lõi và con mắt quan sát tinh tế đến mức tinh quái của một dân phố chính hiệu”; với Lê Minh Hà là những hoài niệm, là cái nhìn của một người đã xa đất nước với nhiều day dứt xót xa về một thời đã qua; với Nguyễn Việt Hà lại là cái nhìn của một người trong cuộc với những phát hiện về sự nghịch dị và cảm thức mạt thế qua từng trang viết. 

Cách viết của Nguyễn Hoài Nam làm dễ hiểu những gì khó hiểu, làm đơn giản những gì tưởng chừng phức tạp. Anh không bao giờ nặng về trích dẫn, viện dẫn những lý thuyết Đông Tây, chỉ khi thật cần mới lấy ra một vài cái tên, một vài luận điểm mang tính căn cốt của những nhà phê bình đi trước. Vì lẽ đó, những trang viết của Hoài Nam dễ tiếp nhận với đông đảo các độc giả yêu thích văn chương. Cùng với “Mùi chữ” (NXB Phụ nữ, 2013), “Từ trang sách đến gương mặt văn chương” là cuốn sách hữu ích cho những ai quan tâm đến diện mạo của văn học Việt Nam đương đại.