Vẻ đẹp thời “áo xanh vào cỏ”

Trường ca “Từ phía sương buông” (NXB Văn học, 2021) của nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung vừa xuất bản trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2021. Tác phẩm gồm bốn chương: “Giấc mơ biên giới”, “Những câu chuyện của cỏ”, “Bắt đầu từ câu hát”, “Những người lính đi trong sương sớm”.

Vẻ đẹp thời “áo xanh vào cỏ”

Với giọng điệu mỏng mềm, liêu trai và sâu lắng, trường ca đã khắc họa vẻ đẹp bất khuất, kiên trung của những người lính trẻ xuyên suốt từ thời binh lửa, gắn với dấu mốc các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc năm 1979 cho tới thời bình. Tác phẩm bắt đầu từ nguồn cảm hứng về những bức thư được người lính trẻ viết từ chiến trường, không có địa chỉ người nhận, chỉ thấp thoáng bóng hình người con gái trong tâm tưởng. Tác giả đặt bức thư ấy vào hành trình giả định, xuyên thời gian, không gian, đến với nhân vật trữ tình đang sống cuộc sống hòa bình: “Thư đến em mà anh không còn nữa/hãy cứ tin anh thấy được em...”.

Vẻ đẹp khỏe khoắn, tinh thần hiến dâng cho Tổ quốc của lứa tuổi thanh niên được khắc họa bằng nhiều thi ảnh đẹp với “những tiếng hô xao động vầng mây”, “mỗi cánh tay phác một chân trời” của những người lính miền xuôi ngược biên giới; còn những chàng trai bản địa cũng đầy vạm vỡ, tươi trong ở tuổi chớm lớn “áo vừa chàm đợi xuân”, “quai xanh gồ như núi”, “mắt cháy chiều quê hương”. Tất cả những tâm hồn, những cuộc đời rừng rực ấy đã trổ thành cột mốc biên cương xa xanh vạn dặm. Đồng hiện với hình tượng người lính là hình ảnh của bà, của mẹ, của muôn người bạn gái “áo dài thắt lụa” trong những lễ hội xênh xang biếc xanh khi đất nước chưa ầm vang súng đạn. Đọc trường ca, liên tiếp chạm được đến từng mảnh giấc mơ “vừa cháy vừa buông”, những cuộc hành quân “dằng dặc người đi, dằng dặc núi”, “những con đường nhìn thôi đã mỏi”... Và sau tất cả, áo xanh vào cỏ, niềm tin gửi vào cỏ, cỏ cháy trong mắt người rồi trở về như ý niệm hồi sinh. Có giữ từng dấu chân, vá lành vết thương, đỡ nâng, đưa đón tất cả vào lòng: “Cỏ như lưỡi gươm lưỡi mác, vẫn dịu dàng đỡ những bước chân”. 

Phía cỏ, cũng là phía sương buông thật mỏng mềm, da diết. Người đọc ngỡ ngàng gặp từ phía ấy không chỉ từng đoàn quân với “những người lính đi qua sương trắng/gọi mênh mông cúi xuống tự tình” mà còn là dáng hình của bà, của mẹ, của những cô gái đi trong sương sớm, những con đường hiển hiện, những loài cây mọc giữa chênh vênh. Một trường ca, một giọng điệu lắng sâu và mềm mại tưởng niệm mầu áo xanh vào cỏ, để trong chính thời bình ta vẫn gặp “Người lính trẻ đi trong sương sớm/thấy nôn nao vệt sáng phía sau đèo”.