Văn xuôi Việt Nam hiện đại - Một hướng nhìn từ gốc

Muốn hiểu văn xuôi hiện đại, phải trở về thời điểm những dấu hiệu hiện đại hóa được khởi sinh. PGS,TS Lê Tú Anh đã mang đến những hình dung vừa cụ thể, khu biệt vừa có những liên hệ mở rộng trong tiến trình phát triển của văn xuôi hiện đại.

Văn xuôi Việt Nam hiện đại - Một hướng nhìn từ gốc

Cuốn sách được bố cục hai phần với cấu trúc song song trong tư duy của người nghiên cứu. Phần một, là những khảo cứu công phu về văn xuôi quốc ngữ đầu thế kỷ 20 trong những dự phóng hiện đại hóa. Ở phần này, người đọc sẽ hình dung được văn xuôi hiện đại Việt Nam ra đời và phát triển như thế nào với các vấn đề then chốt, nền tảng như: Quan niệm về tiểu thuyết trong văn học 1900 - 1930; Quá trình hình thành tiểu thuyết hiện đại Việt Nam; Truyền thống và cách tân trong các dạng thức kết cấu tiểu thuyết quốc ngữ giai đoạn giao thời,…

Không chỉ chuyên tâm vào các vấn đề có tính nền tảng, Lê Tú Anh còn nắm bắt một số tác giả có tính dự báo hay thúc đẩy sự phát triển của văn xuôi hiện đại. Nguyễn Trọng Quản với “Thầy Lazaro Phiền”, Hoàng Ngọc Phách với “Tố Tâm”, Nguyễn Trọng Thuật với “Quả dưa đỏ”, Huỳnh Thị Bảo Hòa với “Tây phương mỹ nhơn”, Đạm Phương nữ sử với “Hồng phấn tương tri”… Đặc biệt, phần một của cuốn sách có khảo sát tuần báo Tiểu thuyết thứ năm với cái nhìn đánh giá về vai trò của nó nói riêng và báo chí đầu thế kỷ 20 trong việc thúc đẩy văn học phát triển theo hướng hiện đại hóa.

Phần thứ hai: Một số vấn đề của văn xuôi Việt Nam đương đại. Như chúng tôi đã hình dung, cấu trúc song song trong tư duy nghiên cứu của Lê Tú Anh là khá rõ: vừa nhìn văn xuôi hiện đại từ gốc với những biến chuyển nội dung, hình thức thể loại, vừa dịch chuyển điểm nhìn sang thực thể văn xuôi đương đại. Và, như những gì được trình hiện, người đọc có thể nhận ra mối dây liên hệ từ hiện đại đến hậu hiện đại, từ vấn đề thân phận con người trong văn xuôi đầu thế kỷ 20 đến vấn đề tha hương, chấn thương trong văn xuôi đương đại. Đồng thời, thông qua các trường hợp như Thuận, Nam Lê, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Xuân Khánh…, cái nhìn cụ thể có tính chuyên sâu được khai triển.

Trong bối cảnh bề bộn, luôn dịch chuyển và đổi thay của đời sống, khoa học và văn chương như hiện nay, việc trình ra những kết quả làm việc nghiêm túc, với ý hướng góp phần mình vào sự phát triển chung của cộng đồng học thuật, công trình “Văn xuôi Việt Nam hiện đại - khảo cứu và suy ngẫm” của PGS, TS, Lê Tú Anh là một nỗ lực rất đáng trân trọng.

(“Văn xuôi Việt Nam hiện đại - Khảo cứu và suy ngẫm”, PGS,TS Lê Tú Anh, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018).