Tình yêu với đất và người

Xuyên suốt các tập: Gió đồng (thơ 2001); Nhớ núi (thơ 2017); Mùa lữ hành (bút ký, đối thoại 2010); Gió thổi từ miền ký ức (tùy bút và tản văn 2019) đều thể hiện rõ trách nhiệm của người viết với mỗi vùng đất, con người tác giả Uông Thái Biểu đã đi qua, từng gặp, nhất là tập “Gió thổi từ miền ký ức”. Ở tập sách mới này (NXB Hội nhà văn), được chia làm ba phần: “Mạch nguồn bất tận”, “Hơi thở đại ngàn” và “Những tản mạn rời”.

Tình yêu với đất và người

Tình yêu quê hương, đất nước được dưỡng nuôi từ những điều nhỏ nhất, ngọt ngào lẫn cay đắng. Niềm tin, bản lĩnh, tố chất cũng chắt lọc, hun đúc từ đó. Vậy nên, nhiều tác phẩm viết cho quê hương, cho tuổi thơ, bè bạn trong “Gió thổi từ miền ký ức” đều lấp lánh khát vọng vượt mọi bão dông. Viết cho mình mà như cho tất cả mọi người. Ở mỗi bài viết trong tập “Gió thổi từ miền ký ức” đều bộc lộ rõ sự thâm sâu nội lực về chữ nghĩa, tri thức của người viết nhưng trong cuộc sống đời thực, Uông Thái Biểu luôn lành hiền như những tán rừng Tây Nguyên mùa lặng gió. Đây cũng là vùng đất anh gắn bó lâu nhất, nhiều trăn trở nhất.

Không khoa trương, ít nói về mình, Uông Thái Biểu vừa có dáng chỉn chu của ông đồ xứ Nghệ lại có chất lãng tử, phóng khoáng của người Tây Nguyên. Những ngày ở Đà Lạt tôi luôn cảm động và nhớ như in hình ảnh anh tất tưởi phi xe máy mang nhuận bút đến cho những cộng tác viên còn ngồi ghế giảng đường như chúng tôi. Có người quen anh lâu năm vẫn thân thương gán cho biệt danh “Thái Biểu nghĩa hiệp” khi sinh viên, “Thái Biểu trí tuệ và nông dân” khi làm báo. Nhiều năm làm báo Lâm Đồng rồi chuyển về Báo Nhân Dân, anh vẫn giữ nguyên phong thái và khí chất ấy. Mọi sức mạnh, tinh hoa như dồn cả vào chữ. Phải lặn thật sâu vào những góc khuất của xã hội, con người, sự việc chung quanh mới thấy ngày càng nhiều điều cần phải viết. Viết như một nhu cầu tự thân vậy. Những tản văn, tùy bút của Uông Thái Biểu ra đời trong trạng thái ấy có sức lay động, đánh thức nghĩ suy rất mạnh mẽ. Ở phần “Những tản mạn rời”, tác giả như cô lại những câu chuyện bất ngờ hoặc chủ đích thu nhận vào trí nghĩ để tâm tình cùng bạn đọc. Nhẹ nhàng mà khó quên. Đó là: “Cà phê hồi niệm”; “Ký ức của rừng”; “Nắm cơm, hạt muối”; “Chuyện nhỏ ở Đà Nẵng”; “Cay mắt mẫu rừng”…

Đọc hết cuốn “Gió thổi từ miền ký ức” nói riêng và nhiều tác phẩm khác của Uông Thái Biểu nói chung, tình yêu với quê hương, đất nước, với những ngọn nguồn giá trị văn hóa như được củng cố, tô đậm hơn. Niềm tự hào và trách nhiệm cũng vì vậy ấm áp và sâu sắc thêm.