Những thanh âm của biên độ mới

Sau tập truyện ngắn “Ông lão đánh rọ tôm trên hồ Thác Bà” đã tạo được dư ba với bạn đọc từ văn phong giản dị, nay nhà văn Phùng Quốc Hiển đã tiếp tập “Mưa cuối thu” (NXB Văn học). Các truyện ngắn của Phùng Quốc Hiển hướng tới sự nhân văn, cái đang rất cần ở cuộc sống hôm nay.

Những thanh âm của biên độ mới

Sự soi chiếu cuộc sống dưới nhiều góc độ đã trở thành thế mạnh của ngòi bút Phùng Quốc Hiển. Trong tập truyện này, tác giả vừa giữ được thế mạnh vốn có của mình vừa mạnh mẽ mở ra những biên độ mới.

Mở đầu tập truyện, “Mưa cuối thu”  với dung lượng khá dài, tác giả kể lại câu chuyện một cách nhẹ nhàng, rung động, phảng phất “chất Thạch Lam”. Dường như có hai câu chuyện trong xoay quanh ba nhân vật: Minh, Thu, Thái, để từ đó khái quát tinh tế và sát thực xã hội thời bao cấp. Truyện như những lát cắt và câu hỏi về kiếm tìm hạnh phúc và đạo đức.

Một trong truyện ngắn đặc sắc nhất ở tập này là “Tiếng cuốc gọi hè” với nhân vật chính là Bình, một người chịu thiếu khuyết và thiệt thòi trong cuộc sống. Vốn ngôn ngữ vùng trung du và nông thôn giàu có và cách thức miêu tả đời sống của người dân đã được Phùng Quốc Hiển dụng công ở truyện này. Nhân vật Bình ngay từ đầu đã hiện lên: “Nhưng số phận thật nghiệt ngã, sinh ra thằng Bình cũng đầy đủ cả, nhưng càng lớn cái chân càng co lại như bị khoèo, đi thì cứ lệch thệch, cái đầu lúc nào cũng ngoèo ngoẹo sang một bên trông thật khổ. Ông bà chạy chữa đủ cả thuốc tây, thuốc nam cho nó. Cứ đâu nghe nói có thuốc hay, thầy giỏi, ông bà  đều tìm đến để chữa cho thằng Bình, nhưng cũng không ăn thua”.

Khá bất ngờ ở phần cuối tập sách, thiên truyện “Huyền thoại vua Áo Đen”. Phùng Quốc Hiển tỏ ra khá am tường từ triều đại các vua Hùng tới các đời sau. Viết về lịch sử, nếu không chắc tay, không dày vững về kiến thức lịch sử sẽ dẫn đến sự sơ lược và áp đặt. May sao Phùng Quốc Hiển đã vượt được qua cửa ải này. Tác giả đã biết lọc lựa từ lịch sử, nhất là các tích chuyện từ cổ sử, từ dân gian, huyền sử, dã sử để đưa ra chủ kiến của mình. Hãy xem cách mà nhân vật trong “Huyền thoại vua Áo Đen” nói: “Chúng ta là hậu thế, đánh giá tiền nhân cũng phải thận trọng. Đúng là An Dương Vương có trách nhiệm cao nhất trong sự tồn vong của đất nước. Ngài đã trễ nải, không duy trì được tinh thần đoàn kết chiến đấu cho quân dân cả nước như trước nữa. Ngài lại mất cảnh giác, để cho kẻ địch lợi dụng và có thể còn nhiều nguyên nhân khác, nhưng hình ảnh của ngài vẫn vĩ đại, thậm chí khi rơi vào bước đường cùng ngài vẫn oanh liệt, hiên ngang sống cùng với nước non”.

Nhân vật đã nói được như vậy, hẳn nhiên tác giả đã phải rất dụng công.

Tập truyện ngắn “Mưa cuối thu” đã là một cung bậc mới, vừa tiếp nối đích đáng, vừa mở ra những biên độ mới, những thanh âm hữu ích mới.