Mang mầu của nắng

“Nắng Thổ Tang” (NXB Hội Nhà văn, 2021) là cuốn tiểu thuyết mang đậm dấu ấn văn phong cá nhân của nhà văn trẻ Đinh Phương.

Mang mầu của nắng

Huyền ảo và ám ảnh, trữ tình và dữ dội. Cùng đau đáu với đề tài lịch sử, nhưng khác với “Nhụy khúc” - cuốn tiểu thuyết đầu tay đã để lại dư âm đẹp trong lòng người đọc, “Nắng Thổ Tang” được tác giả khai thác ở bình diện rộng lớn hơn, sâu hơn cả về thời gian và không gian, với những trang người gắn thít, vẫy vùng trong từng trang sử.

Vẫn là sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, nhưng các tuyến thời gian trong tiểu thuyết này là sự trùng điệp, chồng xếp, bỏ ngỏ và không thể vãn hồi. Dưới mỗi lớp thời gian đều ẩn tàng, chứa đựng những câu chuyện, những con người, chân thực đến mức chỉ cần chạm tay vào, lịch sử sẽ bong ra, ta sẽ thấy quá khứ đang cùng quẫy bởi những dở dang, tuyệt vọng, khốn cùng. Còn hiện tại thì sao, là những dằn vặt, ngơ ngác, u uẩn, bế tắc trước lớp sương mù của quá khứ. Chỉ có nắng, “nắng nào là nắng hôm qua, nắng nào nắng hôm nay, nắng nào là nắng cũ, nắng nào là nắng mới”.

Cuốn tiểu thuyết với rất nhiều nhân vật, nhưng không có nhân vật trung tâm. Nhân vật nào cũng được lên tiếng lý giải, biện minh cho những lựa chọn, những khuất khúc của mình. Nhưng liệu điều đó có làm cho lịch sử sáng tỏ hơn? Ở những góc nhìn khác nhau lịch sử sẽ được hiểu theo những cách khác nhau, ai cũng có một sự thật của riêng mình. Các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết, có người đã được lịch sử ghi lại, nhắc đến, có người chưa từng xuất hiện nhưng họ lại làm nên nỗi day dứt khôn nguôi về thời đại của mình. Lịch sử nhiều khi không được quyết định bởi những hiện diện mà còn có những khuất nẻo.

Những chí sĩ yêu nước trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm xưa; những di dân từ Hà Nội xuống Hải Phòng năm 1954; những người ở thị trấn buồn Mạo Khê của thì hiện tại…, những con người tưởng cách xa nhau về thời gian và địa lý ấy, những tưởng mỗi người một câu chuyện riêng nhưng giữa họ lại có những mối liên hệ ràng buộc, xoay quanh trục biến động của lịch sử. Chỉ có nắng thấu suốt nhưng nắng nói gì với chúng ta: “nắng của thời loạn ly là thứ nắng khoan sâu thẳm vào tâm hồn không bao giờ chịu tan. Đừng tưởng chỉ có mưa mới biết buồn bã, nắng còn buồn bã hơn, chúng tôi uống nắng ở miền ly biệt này để so sánh với nắng ở miền ly biệt khác. Nắng nào là nắng mãi?”. 

Nhà văn dẫn người đọc qua từng lớp sương, lớp nắng bằng giọng văn đầy chất thơ. Cũng trong những lớp ngôn từ ấy, những gì là vĩnh cửu theo thời gian sẽ hiển hiện.