Khi văn học viết về virus trong lòng người

Tiểu thuyết mới “Đắm bầy Virus” (NXB Dân trí, 2022) của Nguyễn Văn Học có bối cảnh diễn ra trong thời đại Covid-19, nhưng nhà văn không chỉ đề cập đến thứ virus sinh học, mà còn bóc trần một thứ virus khác đã cố hữu tồn tại, đó là virus trong lòng người.

Khi văn học viết về virus trong lòng người

Một thứ hạt mầm ác lẩn khuất và sinh trưởng trong mỗi con người, gây xói mòn đạo đức, khơi dậy lòng tham, làm khủng hoảng đức tin... cũng được che đậy bởi mặt nạ nhân cách. 

“Đắm bầy Virus” được thuật lại qua hai lời kể song hành, của nhân vật Hảo, một nhà báo, đóng vai trò ngôi kể chuyện thứ nhất, và cây sưa đỏ, đóng vai trò là chứng nhân quan sát tất cả những biến động xảy ra ở những làng xóm thuộc xã Tiến Thắng, một xã nông thôn Bắc Bộ điển hình đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của sự biến đổi văn hóa. Xuất phát là những làng quê thanh bình yên tĩnh như vậy, nhưng Tiến Thắng tất yếu hứng chịu và trải qua cơn bão đến từ quá trình công nghiệp-đô thị hóa, sự nhiễu động của cơn bão này không chỉ làm biến dạng bức tranh cảnh quan làng mạc, mà vô hình trung bóp méo lệch lạc những con người làng sống bên trong nó. 

Xung đột thứ nhất được Nguyễn Văn Học khắc họa trong “Đắm bầy Virus” là xung đột về không gian, giữa nông thôn và thành thị, giữa làng và phố. Trong truyện, làng, cũng giống như trong lịch sử vốn là cái nôi bắt nguồn không gian xã hội đầu tiên của nhân loại, là nơi các nhân vật được sinh ra và lớn lên. Thế nhưng, phố xuất hiện một cách đầy cám dỗ, thu hút những con người trẻ ở quê “ra phố” để tìm phương kế làm giàu, rồi bị phồn hoa của phố làm cho mê đắm từ lúc nào. Rồi phố tác động ngược lại tới làng (đô thị hóa). Những người giàu, đại gia trọc phú từ thành phố về thuê đất trồng rau, tiêm nhiễm những vui thú mới khiến cho con người quê truy tầm hưởng thụ, đam mê những thứ vật chất phù phiếm.

Xung đột thứ hai là xung đột về thời gian, tức xung đột về thế hệ. Thứ xung đột này được thể hiện rõ nét nhất trong gia đình Muối, anh trai của Hảo. Nhân vật Muối, cùng với Hảo và thầy Hoàng, là những người gìn giữ cái nếp của làng, nếp sống của người quê bình dị, những giá trị truyền thống xưa cũ đáng quý đang ngày càng bị mai một. Nhưng ngược lại, những đứa con trai như Tân, Kiên, không tu chí làm ăn, chỉ nhìn thấy chúng bạn trong làng, xã thay xe hơi như thay áo là thói a dua bùng lên. 

Khai thác bối cảnh đại dịch Covid-19 như một chất liệu mới, nhưng trên thực tế, nó chỉ đóng vai trò như một dẫn liệu để Nguyễn Văn Học mở rộng và khai triển những chủ đề cấp bách mình theo đuổi. Bởi, về sâu thẳm, điều tác giả tâm niệm vẫn là nhận diện hiện trạng của những giá trị sống, giá trị nhân văn, của đức tin trong mỗi con người hiện nay, dùng con chữ để bảo vệ và nhân bản những giá trị trên, góp phần giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.