Hơn cả sự thưởng lãm

Cuốn sách “Ngôi nhà điên” (Crazy house, NXB Thế giới) của kiến trúc sư Trần Trọng Tri thực hiện, với sự tham gia phần ảnh của các tác giả Bùi Việt Dũng, Nguyễn Việt Thắng, Bùi Huy Phú, mở ra một cuộc phiêu lưu kỳ thú vào “Ngôi nhà điên” trên mặt sách. 

Hơn cả sự thưởng lãm

Cấu trúc công trình nổi tiếng của kiến trúc sư, TS Đặng Việt Nga tại Đà Lạt được “bóc tách” cặn kẽ. Nhưng lại không như những bản vẽ, những thông số, mà biến thành từng chặng trải nghiệm nên thơ. Nhiều khung cảnh lạ, chi tiết hay của “ngôi nhà điên” bất ngờ đưa bạn đọc lạc vào những phát hiện ngẫu nhiên không biết trước: tiếng chim chợt vang lên, đâu đó suối róc rách, thoáng một túp lều dưới vòm lá, những mắt cây to nhỏ và rễ cây khổng lồ xa, gần trên con đường bổng trầm vắt vẻo, những pho tượng đậm chất thiên nhiên và mang nét văn hóa Tây Nguyên… 

Từng trang ảnh và lời kể gợi những cảm giác, cảm xúc phong phú của cuộc trở về thiên nhiên với những cảm hứng rừng xanh, suối mát, vườn thượng uyển rợp bóng lá hoa, không gian thủy cung tô vẽ kỳ công, tạo hình sinh động với đủ các sắc mầu thủy sinh sặc sỡ. Và cả những thoáng lo sợ, hoang mang của lạc đường, của nỗi nghi ngờ bị rình rập khi lạc vào những vùng sáng, tối được tạo nên bằng nghệ thuật ánh sáng tài tình. Và còn là những chiêm ngẫm cách sống trong đời khi bước vào vườn địa đàng, nơi cảnh báo ta về sự thưởng, phạt nghiêm minh. 

Cuốn sách còn mô tả những tiện ích của không gian này, nơi mọi du khách-những cặp đôi, mỗi gia đình, các nhóm bạn có thể tìm được hứng thú cho mình. Đặc biệt khi mỗi không gian nghỉ dưỡng ở đây rất đa dạng, không lặp lại qua những phòng của hổ, gấu, chuột túi, phòng quả bầu, phòng trái dừa, phòng đại bàng đất… với các hình dáng tường, trần, các vị trí sắp xếp đồ đạc gần như không theo trật tự nào cả. Nhưng điểm chung vừa khoa học vừa lãng mạn là phòng nào cũng chan hòa ánh sáng tự nhiên và có điểm nhìn ra các không gian xanh, các hạng mục và hình thù kỳ dị khác ở bên ngoài. Và như tác giả cảm nhận, rất thú vị là những căn phòng hay sau mỗi cánh cửa, dường như luôn giấu những bí mật gợi trí tò mò, ham thích khám phá của trẻ nhỏ. 

Kỳ công vô cùng để tạo nên “Ngôi nhà điên”, đó là trí tuệ, tâm sức, thanh xuân của kiến trúc sư Việt Nga. Công trình có một không hai đó đã gieo cảm hứng đẹp cho bao người khác. Trong đó, chắc chắn có kiến trúc sư Trần Trọng Tri, để ông cùng cộng sự thực hiện cuốn sách này, bằng sự công phu khảo sát công trình, bố cục cuốn sách, sắp xếp hình ảnh, và kể những điều kỳ thú về nơi này. Tác giả như một hướng dẫn viên vừa am hiểu vừa lịch lãm và thân mật, dẫn người đọc. Ông chuyển tới người đọc thông điệp của tác giả “ngôi nhà điên”, cũng chính là suy ngẫm của ông: “Hãy giữ gìn cho tốt sự cộng sinh hài hòa giữa loài người và tự nhiên, nắm tay nhau tồn tại lâu dài trong một vũ trụ an lành, hạnh phúc”.