Hạnh phúc khi cuối cùng trở lại

Tiểu thuyết “Mây vẫn bay về trời” kể câu chuyện trong phạm vi hẹp của một gia đình, nhưng như chạm đến nỗi niềm chung của dân tộc.

Hạnh phúc khi cuối cùng trở lại

Đó là bi kịch khi người cha là cán bộ kháng chiến, đứa con trai lại trở thành sĩ quan ngụy quân. Trớ trêu thay, quyết tâm cầm súng để trả thù lại bắt nguồn từ lòng căm hận khi tưởng cha mình bị Việt cộng thủ tiêu. Mà thực chất, để người cha yên tâm hoạt động bí mật, người mẹ cùng hai con sống yên ổn dưới chế độ cũ, họ buộc phải chọn vỏ bọc đó. Và nỗi đau, nỗi lo cứ âm ỉ trong lòng người mẹ bao năm ròng, không thể nào thổ lộ. Bà sợ trước một ngày hai cha con đối diện nhau, hai bên chiến tuyến.

Tình cảnh đặc biệt ấy đặt vào bối cảnh khu vực cửa ngõ Sài Gòn những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi miền nam sắp giải phóng, đất nước sắp được thống nhất. Để từ đó rõ dần những câu chuyện, những cuộc đời, những diễn tiến của số phận con người trong dòng chảy chung của cộng đồng, guồng quay của lịch sử: Hàm, viên sĩ quan mẫn cán và quyết liệt, được thăng cấp ngay ở chiến trường để cổ vũ tinh thần quyết chiến; ông Quang, người cán bộ dâng cả đời mình và hơn thế, về một khía cạnh nào đó còn dâng cả cuộc sống những người thân yêu của mình cho đất nước; bà Liên, một thí dụ cụ thể của người vợ, người mẹ trong chiến tranh, của cả đất mẹ trong cuộc nguy nan, vẫn luôn nhẫn nhịn, hy sinh, chờ đợi… 

Qua những tình tiết, sự việc liên tiếp đan xen trong khoảng thời gian chỉ ít ngày nhưng có tính chất biến cố, người đọc thấy rõ xu thế vận động đi dần đến chiến thắng của chính nghĩa chỉ qua những diễn biến chung quanh phòng tuyến Xuân Lộc ở cửa ngõ Sài Gòn, với quyết tâm tử thủ của lực lượng Việt Nam cộng hòa và mưu trí ứng phó của các chiến sĩ cách mạng. Thấy sự dịch chuyển từ nặng nề, ám ảnh, sợ hãi trong khổ đau, mất mát dần đến những sáng tươi của đoàn tụ và hy vọng. Thấy hạnh phúc và cái giá của hòa bình, thống nhất. Hẳn rồi, nhưng ai bảo không còn những tâm sự. Tác giả không tránh né những suy nghĩ hằn thù, cố chấp đến cùng của người con trai ngay cả khi biết cha còn sống, đã trở về. Như bước chân đã lỡ xuống đò, không thể không trôi theo dòng nước, những dằn vặt, những suy tư vẫn còn theo người sang mãi tận trời tây.

Nhưng không thể không ngoái lại, không thể không có lúc hồi tâm chuyển ý, không thể không có tiếng gọi của bản quán cho cuộc tìm về, dù bước đầu chỉ như nghi ngại, do dự. Rồi từ ấy sẽ dần vững tâm, tin tưởng nhiều hơn vào diện mạo mới của quê hương, vào tình yêu thương vẫn thắm thiết và cả những thứ tha, bỏ qua lầm lỗi. Đó chính là thông điệp nhân văn mà tác giả gửi trong cái tên tác phẩm, “Mây vẫn bay về trời” và neo giữ cái mạch đập bồi hồi ấy trong suốt những câu chuyện, những hoài niệm của các nhân vật.

Như nhiều nhà văn quân đội khác, nhà văn Hà Đình Cẩn vẫn dành độ lùi thời gian để chiêm nghiệm về chiến tranh. Tiểu thuyết mới của ông, “Mây vẫn bay về trời” do NXB Quân đội nhân dân ấn hành tiếp tục là một sự nhận ra nữa, cho người đọc vì cuộc sống hòa bình.