Gọi lên tính nhân văn của văn học

PGS, TS Nguyễn Văn Dân từng có nhiều công trình nghiên cứu đạt giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam, giải sách hay, giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam…

Gọi lên tính nhân văn của văn học

Các công trình của ông được giới thuyết, tổng thuật, nghiên cứu ứng dụng vào văn học Việt Nam có giá trị khoa học cao.

Năm 2020, công trình tiểu luận - phê bình “Văn hóa - văn học dưới góc nhìn liên không gian” có độ dày 274 trang, do NXB Thế giới in ấn và phát hành đã được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (hạng mục lý luận - phê bình). Cuốn sách mang đến những cách tiếp cận “liên không gian” mới lạ, hấp dẫn. Công trình gồm 24 bài tiểu luận - phê bình, nghiên cứu từ những vấn đề chung như thuật ngữ, khái niệm mang tính bao quát về văn hóa - văn học đặt dưới góc nhìn liên không gian, kết nối đa diện. Các khái niệm: Quyền tự do văn hóa, lý thuyết không gian văn hóa xã hội, quan hệ trung tâm - ngoại vi, môi trường xã hội, sinh thái học, tinh thần văn hóa học… được nghiên cứu nghiêm túc, khoa học qua các bài viết gắn với điểm nhìn từ xa tới gần, từ cụ thể đến khái quát, để người đọc có thể tìm hiểu, lý giải một cách bài bản, khoa học các vấn đề văn học - văn hóa từ các góc nhìn khác nhau.

Điểm đặc biệt trong tiểu luận - phê bình này chính là các vấn đề thực tiễn được nhà nghiên cứu đặt ra trong bài viết như: vấn đề đạo đức xã hội của nhà văn, môi trường văn hóa xã hội. Đây là vấn đề được ông coi là trọng tâm, cấp bách trong tình hình đời sống sáng tạo và nghiên cứu phê bình VHNT có nhiều biến động như hiện nay. Vì thế: “nhiệm vụ của văn học là phải biết thức tỉnh tình thương nơi con người và đồng thời khuyến khích con người biết sợ hãi, biết tránh xa những cái xấu xa, đồng thời chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái đạo đức, cái ác hoành hành”. Tác giả coi đó là nhiệm vụ và trách nhiệm đạo đức của nhà văn.

Bên cạnh đó, văn học - văn hóa đặt trong sự kết nối “liên không gian” nên vai trò của hoạt động phê bình, phê bình sinh thái, văn hóa học được đề cập đến một cách logic, khái quát. Một số vấn đề yêu cầu, giải pháp cũng được PGS, TS Nguyễn Văn Dân đặt ra từ góc nhìn thực tiễn sáng tác, hoạt động quản lý VHNT ở nước ta. Mặt khác, là những giải pháp, kiến nghị có giá trị khoa học, thực tiễn nghệ thuật đã mang đến những bài học bổ ích, mang tính tham khảo, kiến nghị, định hướng cho hoạt động sáng tác, tiếp nhận và quản lý VHNT ở nước ta trong những năm qua. Điều đó cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của Nguyễn Văn Dân trên hành trình kiến tạo chân trời tri thức mới, mang đến những góc nhìn “liên không gian” văn học - văn hóa đa diện.