Cuốn sách thứ 80 của nhà nghiên cứu tuổi 80

Đó là cuốn “Thế Lữ, cung đàn muôn điệu tài hoa”, được NXB Thuận Hóa xuất bản năm 2021.

Cuốn sách thứ 80 của nhà nghiên cứu tuổi 80

Từ cuốn sách đầu tiên “Nam Cao, nhà văn hiện thực xuất sắc” in năm 1961, GS Hà Minh Đức đã cho xuất bản 80 cuốn sách. Trong đó có 16 cuốn được giải thưởng: năm cuốn Giải thưởng Hồ Chí Minh, sáu cuốn  Giải thưởng Nhà nước, hai cuốn Giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương, một cuốn Giải thưởng Hội Nhà văn, một cuốn giải Sách hay của Bộ Thông tin và Truyền thông… Ông còn chủ biên, tham gia biên soạn nhiều công trình khoa học có giá trị khác.

Với cuốn sách này, ông cũng khép lại một công trình tâm huyết viết về một thế hệ vàng của thơ ca Việt Nam từ  Phong trào Thơ mới đến nửa thế kỷ thơ cách mạng sau 1945 gồm Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ…, mà ngoài ông ra, ít người được “gặp, hỏi chuyện về thơ và nhờ các tác giả trực tiếp giải đáp cho những ý tưởng lớn cho đến giá trị của từng bài thơ hay” như chia sẻ trong lời nói đầu của ông cho tập sách này. Tôi đã được đọc hầu hết những tác phẩm ấy, không những cuốn hút bằng say mê, yêu thích mà còn học được những bài học bổ ích trong sáng tác, trong lao động nhà văn.

Thế Lữ là một chủ soái của phong trào Thơ mới. Ông là người hàng đầu không những trong thơ, văn xuôi mà còn trong kịch, trong dịch thuật, có hiểu biết sâu sắc và đóng góp lớn về nhiều ngành nghệ thuật khác. Ông là người nâng đỡ nhiều tài năng trẻ, trong đó có Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh... trong thơ; Tào Mạt và nhiều tác gia, nghệ sĩ khác trong kịch.

Kể chuyện, nghiên cứu về trường hợp Thế Lữ, GS Hà Minh Đức không chỉ kiến giải được nhiều vấn đề tinh tế trong nghệ thuật mà còn là người sưu tầm được những tác phẩm chưa từng xuất hiện của Thế Lữ trước đó. Năm 1965, gặp nhà thơ lớn ở nhà riêng trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Minh Đức đã được Thế Lữ đọc cho chép bài thơ “Tình hoài” với bút danh Lê Ta: “Trời buồn làm gì trời rầu rầu/Anh yêu em xong anh đi đâu?/Lắng tiếng gió, suối, thấy tiếng khóc/Một bụng một dạ một nặng nhọc//Ảo tưởng chỉ để khổ để tủi/Nghĩ mãi gỡ mãi lỗi vẫn lỗi/Thương thay cho em căm thay anh/Tình hoài càng ngày càng tày đình”.

Đây là một tìm tòi thành công về hình thức, tôn vinh tiếng Việt, một thứ tiếng giàu nhạc điệu và hình ảnh. 

Tuy rất yêu kính nhà cách tân, người được đương thời tôn xưng là “Tao đàn đại nguyên soái”, GS Hà Minh Đức vẫn chỉ ra một cách thuyết phục những nhược điểm, hạn chế của Thế Lữ trong buổi đầu Thơ mới.

Nhưng hơn tất cả, với công trình này, GS Hà Minh Đức đã qua một trường hợp cụ thể của Thế Lữ, đã làm sáng rõ, sâu sắc bước đường hiện đại hóa của thơ Việt; và như một sự tri ân của chúng ta đối với Thế Lữ “một hiện tượng chói sáng” đầu thế kỷ 20.