Có một trăng thề trong Đào Quốc Vịnh

Tập “Trăng thề” (NXB Hội Nhà văn) với 55 bài thơ hai câu và bốn câu lật mở khúc hoài niệm và đồng vọng của tác giả đã khiến không ít người giật mình. Bởi lẽ, có một nhà thơ Đào Quốc Vịnh tỉnh, say, mộng mị và trào thức.

Có một trăng thề trong Đào Quốc Vịnh

Những cảm xúc rất đời và cũng rất mộng. Phiêu lãng trong chốn trần ai, nhà thơ đã bước ra khỏi thế giới thực để làm cuộc hoan ca với chính mình và sau hết là với cuộc đời...

Lẽ thường ở lứa tuổi không còn trẻ nữa, sự hoài niệm thường trải dài, miên man trong  nỗi nhớ. Nhà thơ họ Đào cũng không nằm ngoài quy luật tên. Cả tập thơ là khúc đồng vọng và nỗi nhớ miên man. Đi từ thời gian cụ thể đến thời gian vô định, nỗi nhớ của ông có cái gì đó tiếc nuối, ngọt ngào mà không khỏi rưng rưng. Tôi không biết để đổi lấy những cảm thức xa, gần, nhớ, quên, thương cảm và yêu thương ấy, nhà thơ đã phải đi qua bao nhiêu cung bậc của đường đời. Nhưng chắc chắn, sự trải nghiệm nào cũng hạnh phúc,  hồi hộp, man mác và âu lo... 

Điều này thể hiện rất rõ qua những cung bậc, hình ảnh thơ mang tên “Trăng thề”. Tôi thích những cảm thức lưng lửng, buông thả và vu vơ trong tập. Nó không cần cầu kỳ, trau chuốt tạo dáng vẻ. Nó chân chất, nhưng cũng không kém phần tinh tế và đầy cảm xúc. Nó chạm đến những động rung khó tả của người đọc.  

Trong tập thơ, gió được nhắc đi nhắc lại  nhiều lần. Gió không chỉ là khách thể, mà là chủ thể. Mượn gió để kể lại câu chuyện cuộc đời và thú nhận các cung bậc cảm xúc, gió đã là nguyên cớ để thi sĩ trải lòng.

Gió của  thi sĩ  rất lạ. Đây là cơn “gió gào” đêm quây chú Cuội. “Gió gào gặm khuyết lòng trăng” trong cổ tích (khúc  37), gió “rít lên tựa tiếng sáo trời” và “rì rào như trận trăng rơi giữa đồng” để rồi “gió vờn réo rắt tầng không/bao nhiêu thổi buốt lạnh cong phận nghèo” (khúc 04). Người đọc giật mình trước cơn gió rít và tiếng mèo hoang khản tiếng trong đêm thâu, để còn đọng lại “Lao xao lá rụng mép sân/Con thạch sùng khóc, than thân cõi mình” (khúc 08)”. Cho đến một ngày, trong chơi vơi của cõi vô minh, có một cơn gió thoảng qua, “dứt tình sương tan” mà không được báo trước (khúc 43). Thì ra cái kiếp đa tình cũng có thể làm ngọn gió hây hẩy, cho tan trong nhau. Tưởng như vô vi đấy, hóa ra hình ảnh ao đình, tuổi xuân, trinh trắng... lại là nguyên cớ để cho cái kẻ yêu biến hóa thành câu chuyện tình (khúc 45). Còn đây là ngọn gió chênh chao khi thổi qua “vệt sương nằm lại trên tàu chuối non” - hình ảnh vết son và bông hồng, vệt sương... đã nhắc nhở về nhân vật trữ tình, thời gian câu chuyện và cả những ẩn dụ của tình yêu (khúc 46)…

Dẫu có mượn cớ nói về cơn gió, mô tả cõi đời vô minh, hay cõi người trần tục, thì những cơn gió lang thang trong thơ Đào Quốc Vịnh cũng đã và thổi qua mỗi cuộc tình, phận đời. Dù ẩn dụ hay tường minh. Ảo đấy mà thực đấy, ngọn gió đầy cảm xúc của thi tứ đã bật mở giữa bầu trời nhân ái, yêu thương.