Chùm muộn nhưng sai quả

Cách đây 45 năm, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, chàng giáo sinh trẻ Trần Nguyên Mỹ xung phong lên Tây Bắc công tác, lúc đó ai cũng biết Tây Bắc là vời vợi nghìn trùng, là ma thiêng nước độc, nhất là cái nghề gian khổ phải kiên trì bám dân, bám bản như nghề dạy học. 

Chùm muộn nhưng sai quả

Đi, đọc, học, viết là vốn bốn điều cốt tử của nghề viết văn, Trần Nguyên Mỹ đã dành nhiều thời gian, công sức để bồi đắp cho bốn điều cốt tử này. Tập truyện ngắn “Cái sừng nai” gồm 15 truyện ngắn đã được giới thiệu trên nhiều báo chí, là một dấu mốc muộn mằn trong đời cầm bút độc hành của nhà giáo Trần Nguyên Mỹ.

Trong truyện “Cái sừng nai” ông khởi đầu: “Ông nội tôi mất từ khi tôi còn nhỏ. Còn bà nội tôi đã ở cái tuổi người yêu qua mắt không ngó, người ghét qua tai không giữ trong lòng, ngày như đêm lúc tỉnh lúc mê. Bố mẹ tôi đi làm ăn xa. Tôi đã ba mươi tuổi, bẻ cằm lợn chẳng cần rạch, có bằng đại học ngân hàng, đã từng có việc làm song đã bỏ, chỉ quanh quẩn ở nhà với bà nội và luẩn quẩn với trò chơi chữ nghĩa, cái trò đã hành tôi từ ngày còn đang học trường làng…”. 

Các truyện của Trần Nguyên Mỹ dường như rất ít sự răn dạy, ông đi vào kể chuyện hồn nhiên, trong trẻo, sự chất phác mộc mạc gửi vào từng trang chữ, song qua truyện bạn đọc thấy được những số phận, những hoàn cảnh, thấy được cách sống, sự trả giá của cái ác, sự gặt hái của cái thiện.

Sông Mã của ngày nay đã thay da đổi thịt, đã bắt kịp với nhịp sống hiện đại, song trong cuộc sống mặt trái của nó như nạn cờ bạc, nghiện hút, lừa đảo, chênh lệch giàu nghèo quá lớn vẫn làm cho biết bao người nhức nhối, nhất là những người có trái tim nhạy cảm như các văn nghệ sĩ. Với tâm huyết vạch ra cái xấu khơi nên cái tốt Trần Nguyên Mỹ đã dành nhiều trang viết phản ánh sự nghiệt ngã của mặt trái đời sống hôm nay. Trong truyện “Trở về”, chỉ bằng vài trang truyện ông đã khái quát được cả một đoạn đường đời của Thoong, một cô gái Thái vô tư hồn nhiên, trong trắng, lớn lên trong “dân bản của Thoong hồn nhiên nghèo. Vui vẻ uống rượu, không có tiền nhưng vẫn say sưa. Vay tiền để uống rượu mời khách là chuyện bình thường…”. Từ khao khát mới lạ, khao khát làm giàu Thoong bị một kẻ lừa đảo lừa tình, bị bán cho động mại dâm. Rất may trong tai họa Thoong đã tỉnh ngộ, đã nhận ra: “Mình cũng về bản sống với rừng núi. Học theo thiên nhiên là lẽ tự nhiên. Chim muông sống được thì mình sống được”. 

Những bi kịch xảy ra trong đời sống xã hội đã ghim vào Trần Nguyên  Mỹ những nỗi đau khó liền sẹo song cuộc sống còn có rất nhiều những gương sáng, những con người vì mọi người, nhiều tác phẩm của ông đã mở ra những lối đi nhân hậu, giữ lại, khơi dậy niềm tin yêu quê hương đất nước, tin yêu con người, như các truyện “Đầy tớ”, “Hoa ban Noong Phạ”, “Chuyện một thời ở núi”… Đọc văn của Trần Nguyên Mỹ, ngoài đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, truyện có nhiều lớp lang, nhiều tình tiết hay, đọc là thấy số phận của nhân vật, ông còn khá dụng công trong cách nói ví von giàu hình ảnh, đặc trưng của ngôn ngữ người vùng cao.