Chơi đùa với cái thực

Một điều rất phổ biến trong việc xuất bản các tập truyện ngắn, là nhà văn thường lấy tên của một truyện, có thể là truyện hay nhất hoặc đắc ý nhất, để làm tên chung cho cả tập. Nhưng tác giả trẻ Hiền Trang thì không làm như vậy với tập truyện ngắn đầu tay của mình “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa” (NXB Trẻ).

Chơi đùa với cái thực

Không truyện nào trong số 10 truyện của tập này có cái tên như thế. Dù sao, nếu đọc kỹ từng truyện, ta sẽ thấy cái tên chung ấy mới chính là cảm hứng bao trùm toàn bộ. Bởi vì mỗi truyện ngắn ở đây đều hiện diện như một giấc mộng của người viết, lộn xộn, phóng túng, bất định, nhưng theo một cách đầy chủ ý để tạo nên những bất ngờ thú vị, thậm chí kỳ lạ, cho sự chìm vào và đồng trải nghiệm giấc mộng của bản thân người đọc. 

Với tập truyện ngắn “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa”, dường như Hiền Trang không hề có ý định nói gì đến những vấn đề của đời sống thực, trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Cô chỉ có một việc thôi, là chế tác những giấc mộng. Có giấc mộng được kể từ mầu vàng của căn nhà La Maison Jaune ở Palace Lamartine, Arles, miền Nam nước Pháp, nơi Van Gogh đã làm nên những kiệt tác hội họa và đã cắt tai trái của mình (Sự thật về chiếc tai bị cắt của Vincent Van Gogh). Có giấc mộng do một người thích trườn khắp nơi tự kể: Trườn, chứ không phải là đi và “trườn theo tốc độ allegreto nhanh như concerto của Mozart và thật grazioso như những bản dạ khúc của Chopin… trườn theo nhịp điệu của những bản giao hưởng phức tạp nhất của Stravinsky” (Những người thích trườn). Có giấc mộng được kể từ những người ra vào quán cà-phê mang tên vở kịch “Giấc mộng đêm hè” của William Shakespeare, nơi mà các vai diễn trên sân khấu và các vai diễn cuộc đời cứ nhập nhòe trộn lẫn (Giấc mộng đêm hè). Có giấc mộng được kể từ một người trôi về đầu thế kỷ XX, lạc vào căn biệt thự mang phong cách kiến trúc Đông Dương, gặp gỡ những hồn ma bóng quế đại diện cho nền văn hóa châu Âu quý tộc đầy kiểu cách và chết (Tấu khúc tháng Sáu). 

Cái chết, hay sự tàn lụi, sự biến mất, là chủ đề xuyên suốt các truyện ngắn trong tập “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa”. Hiền Trang có những truyện mang cái tên đẫm chất văn chương trinh thám, huyễn tưởng, như: “Ai đã giết cô gái trong rạp chiếu bóng?”, “Cô gái mất tích trên sân thượng”, “Chuyến xe đi tới Địa phủ”… Nhưng trinh thám huyễn tưởng chỉ là cái vỏ để trùm lên cái lõi là những suy tư triền miên, đôi khi lóe lên nét tinh nghịch rất bất ngờ của một cô gái 9X về sự sống, tình yêu và cái chết. Các truyện ngắn của Hiền Trang là như thế: Người viết không nệ thực. Những chi tiết đời thực hoàn toàn chỉ mang sức nặng của thứ vật liệu được tung hứng trong một cuộc chơi gọi là viết: “Khi cuộc đời bỗng một ngày trở nên trống rỗng, người ta bắt đầu viết để khỏa lấp sự trống rỗng ấy bằng những con chữ, những dấu chấm, phẩy, cảm thán, ngoặc đơn, ngoặc kép…”. Nhưng đọc từ tập truyện ngắn “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa”, ta cũng còn có thể nói cách khác về viết của Hiền Trang: Viết là để được tự do tưởng tượng và suy tư bằng tận độ các trải nghiệm nghệ thuật về đọc, xem, nghe. Là để cho những giấc mộng lang thang đáp lời các tác phẩm…