Chập chờn nắng đỏ

“Yao” (NXB Hội Nhà văn, 2021) là tập thơ gồm 35 bài thơ của nhà thơ người dân tộc Dao Lý Hữu Lương. Thống nhất về giọng điệu, thi ảnh… tập thơ mới của anh tiếp tục mang đến cho người đọc cảm nhận về sự mộc mạc, ấm nồng, tươi trong và vạm vỡ.

Chập chờn nắng đỏ

“Yao” mượn âm từ tiếng Hán (phiên âm: Pinyin (Yáo zú), nghĩa là Dao tộc), cũng là từ được cộng đồng người Dao ghi nhận như một cách viết tên dân tộc mình. Lý Hữu Lương sinh năm 1988 tại Yên Bái, hiện là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã ra mắt ba tập sách: “Người đàn bà cõng trăng trên đỉnh Cô-san” (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2013), “Bình nguyên đỏ” (trường ca, NXB Lao động, 2016), “Mùa biển lặng” (bút ký, NXB Quân đội Nhân dân, 2020). Anh tự nhận mình là “một con chim nhỏ làng tôi” và sự vang vọng trong thơ chính là giọng hót. Nếu để dùng một gam màu gọi lên những cảm xúc, thanh âm, thi ảnh trong “Yao”, đó sẽ là sắc đỏ. Sắc đỏ tràn ngập trong tập thơ, từ những “bông đỏ” trước cửa nhà sót lại sau mùa gặt “đơm tiếng cười của trời” cho tới mầu áo thầy tào, ngọn đuốc, bếp lửa, than củi “dăm mười kiếp nữa”, cỏ đỏ “rón rén cổng nhà trời”. Ngắm nghía, cảm nhận, thi vị hóa sắc đỏ ấy chính là một “con mắt đỏ”. 

Tập sách lấp lánh sắc mầu bản địa với sự gắn bó, nhớ nhung, quặn thắt về cố tổ, cố hương, cố thổ…, những Bàn Mai, Bàn Hồ với từng “căn nhà nắng đỏ”, “hun vàng dấu mây trôi”. Đọc thơ Lý Hữu Lương, cứ hình dung ra một chàng trai người Dao phăm phăm băng rừng, vượt suối, “sống lời của đá cỏ và măng vồng sau mưa”. Tác giả cô đọng được nhiều định nghĩa trong thơ mình, về dân tộc mình. Khuôn mặt làng “không rộng hơn tiếng cười nơi đầu nước”, tiếng nói bản địa như “nước chảy mái cọ”, những nếp nhà “mái lá vàng đợi cuộc thiên di”. Nhiều thi ảnh lạ được tác giả thể hiện đã mang đến sự thú vị riêng, như: “Bấm mây trắng trên đầu mười ngón chân”, “Ngực nóng từng lần thơm trước gió…”. Lý giải cho hành trình thơ ca viết về chính dân tộc mình, Lý Hữu Lương gửi lời nhắn nhủ trong thơ: “Hãy đứng lại và hát bài ca loài chim gõ kiến/Cho cõi này ngọt từng giọt sương trong” (Gửi người em nhỏ). 

Đâu đó, “Yao” ngưng đọng những nỗi niềm xuyên qua từng cơn nắng đỏ, có thể từ “mắt chiều như khóc đầu máng nước”, trong “hồn đựng quả bầu khô trên vai”, buổi “hoàng hôn mai mái mặt người”… nhưng vẻ đẹp của bản sắc, tinh thần đồng bào ta vẫn nồng ấm, bừng sáng. Người đọc gặp ở đó một miền mây trắng huy hoàng, nắng đỏ dậy hương “hoa quế nhà ai treo cửa”, “hương núi này về ngủ dưới chân ai”.