Ban mai cho em

Trong lời tựa “Ban mai kỳ diệu” (hai tập, nhiều tác giả, diễn đàn Quán Chiêu văn phối hợp Nhà xuất bản Văn học ấn hành), nhà văn Võ Hồng Thu nhận định: “Viết sách cho thiếu nhi quả là thách thức mọi ngòi bút, nhưng đồng thời cũng là kích thích các cây bút tập trung tâm huyết để thử sức trong địa hạt khó khăn này”.

Ban mai cho em

“Ban mai kỳ diệu” đa dạng về đề tài. Mỗi truyện là một “lát cắt” từ đời sống. 50 tác giả trong “Ban mai kỳ diệu” hiện sinh sống và làm việc khắp mọi miền đất nước từ miền núi xuống đồng bằng, từ nông thôn ra thành thị. 

Sính và Rình trong “Ánh sáng trên núi” (tác giả Đặng Thủy Tiên) là con trai trong một gia đình có ba anh em, ở một bản nhỏ heo hút nghèo khó. Hai anh em học cùng lớp, điều vẫn thấy ở miền núi. Rình sáng dạ, ngược lại việc học đối với Sính “khó hơn lên rừng lấy củi với bố, hay đi làm nương với mẹ”. “Sính ghét cái chữ lắm”, chỉ thích lên rừng hái nấm, săn bắt động vật hoang dã. 

Trong một lần ngủ, Sính rơi vào một cơn mơ kỳ lạ. Sính thay đổi, bây giờ mới hiểu vì sao ngay cả bé Mầy - em gái út trước đây cũng không thích ăn thịt các loài động vật trong rừng mà anh trai săn bắt được mang về. Sính chăm học hơn, biết bảo vệ từng cành cây, ngọn cỏ trên rừng, từng con chim non, con sóc nhỏ không may bị lạc mẹ trên rừng.

Câu chuyện của Sính gửi một thông điệp không chỉ đến học sinh mà cả người lớn về ý thức bảo vệ môi trường, môi sinh, đa dạng sinh học. Cùng chủ đề này, Khánh Linh một học sinh Thủ đô lại lớn lên nhờ giảng giải của mẹ qua “Bài văn đáng nhớ” (Tạ Thanh Hải).

“Ban mai kỳ diệu” còn đặt ra nhiều vấn đề trong một môi trường giảng đường hiện đại như “bệnh ích kỷ” trong “Chị và em” (tác giả Chu Thị Minh Thúy); nạn “bạo lực học đường” trong “Bí mật của Ma cà rồng” (tác giả Tâm An); đề cao những giá trị nhân ái, thấu cảm trong “Con chó Duz của Nếnh” (tác giả Lương Thị Hồng Vân)... Tôi đặc biệt thích thú câu chuyện giả tưởng trong “Cuộc xâm lăng của binh đoàn Virus” (tác giả Nguyễn Thùy Dương). Để bảo vệ Trái đất và từng con người trước sự “xâm lăng” của virus, các bé đã rút ra bài học phải ăn chín, uống sôi, rửa tay chân sạch sẽ bằng xà-phòng... Câu chuyện thật đáng suy ngẫm khi loài người đã và đang đấu tranh vì sinh tồn với Covid-19.

Quán Chiêu văn đã có nỗ lực, góp phần kéo trẻ em ra khỏi màn hình điện thoại di động, đưa thiếu nhi trở lại với thế giới của trí tưởng tượng, “thiên đường” của sự hòa đồng giữa thiên nhiên và con người. Với việc sách in không bán, dành tặng các trường SOS, trường nội trú, cơ sở giáo dục đặc biệt... ở nhiều địa phương, Quán Chiêu văn đã và đang làm lan tỏa tình yêu dành cho trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.