Triển vọng tăng trưởng đi kèm thách thức

Nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, năm 2022, Việt Nam có nhiều triển vọng lạc quan để tăng trưởng kinh tế ở mức trước đại dịch, song cũng đối diện với hàng loạt thách thức, đòi hỏi sự quyết liệt trong chính sách và sự trỗi dậy mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.
 

Lắp ráp ô-tô tại Công ty CP Tập đoàn Trường Hải. Ảnh: NAM ANH
Lắp ráp ô-tô tại Công ty CP Tập đoàn Trường Hải. Ảnh: NAM ANH

GDP có thể đạt 6,5 – 7,5%

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của chúng ta hai năm 2020 và 2021 rơi xuống vùng đáy chữ U với tỷ lệ lần lượt là 2,91% và 2,58%. Tuy vậy, sang năm 2022, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trỗi dậy mạnh mẽ nhờ những động lực chính: Đà phục hồi của kinh tế thế giới, điểm sáng xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI), các chính sách mạnh mẽ về đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển, trong đó tốc độ phục hồi và tăng trưởng tỷ lệ thuận với độ phủ vaccine. Tính tới nay, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia đứng đầu khu vực và trên thế giới về độ phủ vaccine, với tỷ lệ 100% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi. Ngoài ra, động lực của nền kinh tế còn nằm ở kinh tế số và chương trình phục hồi kinh tế đang được triển khai.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính dự báo, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,5-7%, tỷ lệ lạm phát khoảng 2,8-3,2%. Ở kịch bản lý tưởng hơn, nếu dịch bệnh được khống chế tốt, kinh tế thế giới phục hồi tốt, doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, tăng trưởng năm 2022 có thể đạt 7-7,5%, tỷ lệ lạm phát khoảng 3,5-3,8%.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến tác động tích cực của gói tài khóa, tiền tệ 347.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường hôm 11/1 vừa qua. GS, TS Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, bên cạnh kinh nghiệm thích ứng với dịch bệnh và thế mạnh về xuất khẩu, chúng ta đang có lợi thế lớn từ gói chính sách tài khóa, tiền tệ phục hồi và phát triển kinh tế 347.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này hứa hẹn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi, không bị lỡ nhịp trong làn sóng phục hồi của kinh tế thế giới. 

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, gần đây Quốc hội đã ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. “Các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá cao biện pháp hỗ trợ và cho rằng cùng với chiến lược phòng, chống Covid-19, các biện pháp này sớm được ban hành sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng nền kinh tế”, ông Hiếu nói. 

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị chủ trì soạn thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023 (trong đó có gói tài khóa, tiền tệ vừa được thông qua), nếu thực hiện hiệu quả, chương trình này có thể giúp GDP tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 diễn ra ngày 5/12/2021, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, nếu triển khai kịp thời chương trình phục hồi đặc biệt, GDP năm 2022 có thể đạt 6-7,7%.

Triển vọng tăng trưởng đi kèm thách thức -0
Việt Nam cần phát huy thế mạnh về xuất khẩu. 

Phụ thuộc hiệu quả các chính sách đã đề ra

Tuy vậy, GS, TS Hoàng Văn Cường lưu ý, có hai thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Thách thức thứ nhất là áp lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nếu không cẩn trọng, để xảy ra hiện tượng chủ quan, lúng túng, lặp lại khuyết điểm nào đó trong năm 2021 thì sẽ đẩy nền kinh tế đi xuống và rất khó theo kịp thế giới. Thách thức lớn thứ hai là vấn đề nợ xấu. Theo ông Cường, đây là nguy cơ tiềm ẩn, làm cho ngân hàng gặp khó khăn trong việc giải ngân tiếp gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, làm cho nhiều hoạt động mà chúng ta muốn đẩy nguồn lực vào gặp khó khăn.

Trong khi đó, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý nguy cơ lạm phát. “Hiện, nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với rủi ro lạm phát do sự phục hồi không đồng đều giữa các nước, tốc độ phát triển kinh tế bị chậm lại; nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu, vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa tăng cao; nhiều nền kinh tế lớn trong thời gian dài vừa qua đã sử dụng các gói hỗ trợ tài khóa để kích thích kinh tế hồi phục và phát triển. Việt Nam có độ mở hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, đặc biệt là nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào rất lớn nên cũng đang đối diện với rủi ro nhập khẩu lạm phát”, ông Thịnh nói. 

Đặc biệt, vị chuyên gia chỉ ra rằng, tác động của các gói kích cầu kinh tế năm 2020 và 2021 sẽ bộc lộ rõ hơn vào năm 2022 do độ trễ của lượng tiền tệ được đưa vào thị trường. Năm 2020 và 2021 tín dụng trong nền kinh tế tăng trưởng 12,17% và 14% nhưng GDP chỉ tăng 2,91% và 2,58%, cho thấy lượng tiền tệ trong nền kinh tế tương đối lớn, là nguyên nhân gây nên sức ép lạm phát. 

Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng mức độ tăng của lạm phát không đáng lo ngại bởi lẽ, sản xuất trong nước đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ từ quý IV/2021 và giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào sản xuất sẽ không tăng mạnh như năm 2021.

Tựu chung, theo ông Phan Đức Hiếu, dù rủi ro đối với nền kinh tế vẫn còn, nhưng triển vọng cho tăng trưởng là khá lạc quan. Đáng lưu ý, tốc độ phục hồi, tăng trưởng phụ thuộc hiệu quả kịp thời thực hiện các giải pháp đã đề ra. 

Cụ thể, ông Hiếu cho rằng, bằng việc thông qua gói tài khóa tiền tệ 347.000 tỷ đồng, Quốc hội đã thể hiện sự quyết liệt trong cam kết và hành động cải cách thể chế mạnh mẽ để hỗ trợ phục hồi và phát triển. Ông Hiếu kỳ vọng rằng, sự quyết liệt này sẽ được tiếp nối trong những quyết sách của Chính phủ trong ban bố chương trình hành động và sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp. 

“Nhìn chung, mức độ tác động đến tăng trưởng sẽ phụ thuộc lớn vào hiệu quả tổ chức thực hiện các giải pháp đã đề ra và sự chủ động, tích cực của doanh nghiệp trong sử dụng nguồn lực hỗ trợ”, ông Hiếu nhấn mạnh.