Sẵn sàng nguồn lực tăng lương cho người lao động

Dù còn nhiều khó khăn để phục hồi và ổn định kinh tế sau đại dịch, song nhiều doanh nghiệp bày tỏ, đã sẵn sàng phương án tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% theo quy định hiện hành kể từ ngày 1/7.

Các doanh nghiệp đã sẵn sàng nguồn lực để tăng lương cho lao động kể từ ngày 1/7 theo quy định. Ảnh: SONG ANH
Các doanh nghiệp đã sẵn sàng nguồn lực để tăng lương cho lao động kể từ ngày 1/7 theo quy định. Ảnh: SONG ANH

Đã sẵn sàng kế hoạch tăng lương

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Tập đoàn đã lập kế hoạch tăng lương cho người lao động (NLĐ) từ tháng 10 năm ngoái. Các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã sẵn sàng nguồn lực để tăng lương cho lao động kể từ ngày 1/7 theo quy định, đó cũng là chiến lược giữ chân lao động của Tập đoàn.

Dù đánh giá việc tăng lương sẽ phát sinh chi phí lớn và thêm khó khăn cho doanh nghiệp, khi lương nhân công của ngành dệt may chiếm tới 80% chi phí sản xuất; trong khi, giá sản phẩm đầu ra không tăng, đơn hàng không tăng, dự báo những tháng cuối năm còn khó khăn khi lạm phát ở các nước trên thế giới rất lớn… song, ông Đức Anh khẳng định: “Việc tăng lương là phải có. Đó không phải là gánh nặng!".

Đại diện Công ty TNHH King Loy Enterprise (huyện Cần Giuộc, Long An) chuyên sản xuất va-ly, túi xách cũng cho biết, đã chốt xong phương án tăng lương cho người lao động kể từ ngày 1/7 theo kế hoạch. Ngoài ra, công ty còn tăng thêm khoảng 12% các khoản phụ cấp khác gồm 5% độc hại và 7% cho lao động qua đào tạo. Điều đáng nói là hàng nghìn công nhân, lao động trong công ty đều được tăng theo mức lương này, không phân biệt vị trí, thời gian làm việc.

Không chỉ những công ty quy mô lao động lớn, mà những công ty nhỏ, khó khăn về tài chính cũng quyết định tăng lương để hỗ trợ lao động trong bối cảnh “vật giá leo thang”, đại diện Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Proline Việt Nam (Thường Tín, Hà Nội) bày tỏ, xưởng sản xuất chỉ có 25 công nhân, doanh thu không nhiều nên việc tăng lương sẽ tác động đến doanh nghiệp. Song, họ sẽ có những định hướng về kinh doanh sau khi tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ.

Sẵn sàng nguồn lực tăng lương cho người lao động -0
Tăng lương tối thiểu vùng sẽ giảm bớt khó khăn cho người lao động. Ảnh: BẮC SƠN 

Đích đến là lương người lao động đủ sống

Cho rằng việc tăng lương nên thực hiện theo định kỳ và mục tiêu “lương đủ sống” là yêu cầu đối với tất cả các doanh nghiệp với người lao động của mình, đại diện Vinatex cho rằng, để làm được, doanh nghiệp cần tạo ra những giá trị cao hơn. Hiện, Vinatex đang tính toán để làm sao giữ chân khách hàng, cạnh tranh được đơn hàng với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc và Bangladesh. Hai vấn đề mấu chốt mà Vinatex cần lưu ý là, việc doanh nghiệp Trung Quốc được hỗ trợ thuế và chi phí lương của Việt Nam thuộc tốp cao, dẫn đến việc cạnh tranh khó khăn hơn.

Hiện, mức lương bình quân của người lao động ở Vinatex là 8,2 triệu đồng/tháng với quy mô 150 nghìn lao động (toàn ngành khoảng 6-7 triệu đồng/tháng). “Đây là mức thu nhập tốt trong bối cảnh việc làm giảm… Lương công nhân ngành dệt may của Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc, còn cao hơn các nước cạnh tranh khác như Sri Lanka, Bangladesh, Indonesia”, ông Đức Anh nói và khẳng định, nói ngành dệt may cạnh tranh về lao động giá rẻ đã không còn đúng… mức lương cao cũng khiến cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh rất gay gắt. Điểm mạnh của mình so với đối thủ là năng suất và chất lượng. Năng suất cả ngành không cao nhưng chúng ta có yếu tố tay nghề và tình hình chính trị ổn định là điểm sáng cạnh tranh hiện nay của ngành dệt may.

Thực tế, ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ cũng thông tin, qua nắm bắt tình hình, một số doanh nghiệp cho biết đã tăng lương từ đầu năm nay, mức lương này đã cao hơn so với lương tối thiểu vùng hiện tại cũng như mức áp dụng từ ngày 1/7/2022 trên địa bàn, nên sẽ không điều chỉnh lương.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho hay, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 với mức tăng thêm 6% so với hiện hành là sự chia sẻ rất lớn của doanh nghiệp với người lao động. Khi có Nghị định 38 của Chính phủ cùng với những hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, đơn vị cũng có hướng dẫn xuống các doanh nghiệp để sớm có kế hoạch thực hiện, điều chỉnh.

“Mức lương tối thiểu được thông qua chỉ là mức sàn thấp nhất bảo vệ lao động yếu thế. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp thuộc hiệp hội có mức lương được trả cho người lao động cao hơn mức sàn này”, ông Mạc Quốc Anh nói và phân tích thêm: Hằng tháng, người sử dụng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo các tỷ lệ nhất định phụ thuộc vào quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Do đó, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 sẽ dẫn đến việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội. Nếu doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 1/7, số tiền hằng tháng mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đóng các loại bảo hiểm nói trên sẽ tăng thêm so với trước, người lao động sẽ được lợi…

Vị này cũng cho biết, môi trường kinh doanh dần dần khôi phục khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 13,6% trong sáu tháng đầu năm 2022. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần tốt lên. Kết quả điều tra trong quý II/2022 cho thấy: Có 78,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và tốt hơn so với quý I/2022; có 21,6% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Còn trong quý III/2022, có 85% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ ổn định và tốt lên so với quý trước; có 15% số doanh nghiệp dự báo tình hình khó khăn hơn.