Đường sắt chuyển hướng sang vận tải hàng hóa

Năm 2021, dù nằm trong bức tranh kinh doanh ảm đạm của ngành đường sắt nhưng vận tải hàng hóa vẫn có bước tăng trưởng với 5,6 triệu tấn xếp, bằng 110,4% cùng kỳ, doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng. Chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa đang là hướng đi giúp đường sắt tận dụng ưu thế.

Sự chuyển hướng vận tải hàng hóa của ngành đường sắt mở ra những cơ hội phát triển mới.
Sự chuyển hướng vận tải hàng hóa của ngành đường sắt mở ra những cơ hội phát triển mới.

Điểm sáng từ hàng liên vận quốc tế

Ngày 20/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã tổ chức chạy chuyến tàu chuyên container đầu tiên sang Bỉ, mở màn cho tuyến liên vận quốc tế chở hàng đi châu Âu. Đây là đoàn tàu container do Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) kết hợp với các doanh nghiệp vận chuyển, giao-nhận các nước cung cấp chuỗi dịch vụ logistics cho khách hàng từ Việt Nam đến điểm đích. Nhờ hướng đi hiệu quả này mà năm 2021, sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế của Ratraco đạt khoảng 946 nghìn tấn, tăng 300% so cùng kỳ 2020.

Theo Tổng Giám đốc Ratraco Trần Thế Hùng, đường sắt có ưu thế vận chuyển lớn, đi đến ga đích đúng giờ, thời gian vận chuyển ngắn mà chi phí chỉ bằng 50% đường biển. Tận dụng ưu thế đó, công ty đã kết hợp các hãng tàu biển lớn để vận chuyển hàng xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Công ty còn mở thêm các dịch vụ hỗ trợ như đại lý khai báo hải quan, kiểm dịch thực vật, tư vấn thuế xuất nhập khẩu… giúp khách hàng yên tâm lựa chọn vận chuyển bằng đường sắt.

Tìm hướng đi trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động vận tải khách bị đóng băng, VNR đã đẩy mạnh việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên tuyến, tăng tỷ trọng vận tải hàng hóa bằng container và đẩy mạnh vận chuyển hàng liên vận quốc tế giữa Việt Nam-Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á. Những ngày này, khi cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn đang ùn ứ hàng nghìn xe container xuất khẩu hàng do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19 thì các đoàn tàu liên vận quốc tế vẫn thông suốt. 

Cởi trói đầu tư

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, để giảm lỗ và duy trì sản xuất, năm 2022, VNR sẽ tiếp tục chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa, mở rộng thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container bắc-nam, container lạnh chở hoa quả, thực phẩm…; khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tích cực tham gia vào chuỗi logistics. Đẩy mạnh tàu hàng liên vận quốc tế, Tổng công ty sẽ xúc tiến các biện pháp tháo gỡ các nút thắt cơ chế, chính sách để nâng cao sản lượng các tuyến Hải Phòng-Lào Cai-Hà Khẩu-Côn Minh, Hà Nội-Đồng Đăng-Bằng Tường-Nam Ninh đến các địa phương khác của Trung Quốc và đi các nước thứ ba; tăng cường thu hút hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu bằng đường sắt.

Mới đây, tại cuộc họp với VNR, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu tổng công ty chủ động đề xuất các giải pháp, cơ chế cụ thể thúc đẩy vận tải nội địa, nhất là tuyến bắc-nam và vận tải hàng đi châu Âu. Định hướng cho ngành đường sắt, Bộ trưởng nhấn mạnh, đối với vận tải nội địa, cần rà soát, xác định một số ga hiện hữu còn quỹ đất hoặc có thể mở rộng, nâng cấp kho bãi thành điểm tập kết hàng hóa bằng đường bộ, từ đó vận chuyển bằng tàu. Cơ chế đầu tư có thể theo hướng tự chủ 100% vốn hoặc liên doanh, liên kết, kêu gọi vốn. Cần mạnh dạn đề xuất và đầu tư đồng bộ để đẩy mạnh khai thác vận tải hàng hóa.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030 về vận tải, ngành đường sắt sẽ vận chuyển được khối lượng hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%. Quy hoạch sẽ hoàn thành, cải tạo nâng cấp để khai thác hiệu quả bảy tuyến đường sắt hiện có, quy hoạch thêm chín tuyến đường sắt mới, gồm: Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân; Vành đai phía đông TP Hà Nội; Hà Nội-Hải Phòng mới; Vũng Áng-Tân Ấp-Mụ Giạ; Biên Hòa-Vũng Tàu; TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ; TP Hồ Chí Minh-Lộc Ninh; Thủ Thiêm-Long Thành. Bên cạnh đó, quy hoạch đường sắt đề xuất các ga sẽ kết nối với cảng, trung tâm logistics để định hướng đầu tư. 

Đối với kết nối các cảng cạn, cảng thủy nội địa, quy hoạch đường sắt sẽ bố trí ga trên các tuyến đường sắt hiện có và đường sắt mới kết hợp được chức năng cảng cạn hoặc bố trí nhánh đường sắt đến cảng cạn như các ga: Lào Cai, Hương Canh, Văn Lâm, Lạng Sơn, Nghi Sơn, Hòa Vang... ; đồng thời, tiếp tục duy trì các ga có kết nối đường sắt đến cảng Việt Trì, cụm cảng Ninh Bình-Ninh Phúc. Riêng với hàng không, đường sắt quy hoạch các ga sẽ kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài qua  hai tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội là tuyến số 2 và tuyến số 6; kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành qua tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam và tuyến đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành; kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất qua tuyến đường sắt đô thị là tuyến 4b kéo dài và tuyến số 2. 

Quy hoạch đã có, quan trọng là cần sớm vào cuộc tháo gỡ để đường sắt có thể phát triển đúng giá trị như huyết mạch giao thông xương sống quốc gia.