Sau World Cup là gì?

World Cup, có thể nói, là điểm đến mà bất cứ nền bóng đá nào cũng khát khao. Và tỏa sáng tại World Cup, bởi vậy, cũng chính là ước mơ cháy bỏng của mọi đời cầu thủ.

Đội tuyển U23 Việt Nam. Ảnh: LÊ MINH
Đội tuyển U23 Việt Nam. Ảnh: LÊ MINH

2017 là năm ghi dấu ấn đột phá của bóng đá Việt Nam, với việc đội tuyển (ĐT) U20 Quốc gia góp mặt tại vòng chung kết (VCK) World Cup U20. Dù phải sớm rời cuộc chơi, nhưng đó vẫn là lần đầu tiên một đội tuyển quốc gia (ĐTQG) của môn bóng đá 11 người hiện diện tại sân chơi ở cấp cao nhất.

Cuộc hành trình ấy đã khép lại. Năm 2017 cũng đã khép lại. Bây giờ là năm 2018 - năm mà bóng đá Việt Nam không còn chờ đợi “suất” dự World Cup nào nữa. Tuy vậy, đây vẫn sẽ là một năm cực kỳ bận rộn. Sẽ có sáu cuộc chơi ở tầm châu lục chờ đón các ĐTQG Việt Nam. Trong đó, các ĐT U16, U19 và U23 thi đấu tại VCK Cúp vô địch châu Á; bên cạnh việc ĐTQG nam lần đầu tiên vượt qua vòng loại, để lấy vé chính thức tham dự VCK Cúp vô địch châu Á tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đồng thời, họ cũng sẽ còn hướng đến hai giải đấu quan trọng khác: Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) và Cúp vô địch Đông - Nam Á (AFF Suzuki Cup).

Một cách thực tế, đã đến lúc có thể tạm quên World Cup đi. Có mặt ở đó, hít thở bầu không khí độc nhất vô nhị ở đó, khóc cười ở đó… là những trải nghiệm độc nhất vô nhị, nhưng chỉ có thế thì không đủ để “chấn hưng” nền bóng đá. Những giải đấu ở đẳng cấp thấp hơn, “vừa tầm” hơn, mới là cơ hội rèn giũa để các thế hệ cầu thủ Việt Nam từng bước trở nên mạnh hơn, hoàn thiện hơn, tự tin hơn. Để lần sau trở lại với World Cup, mục tiêu sẽ không chỉ còn là “phó hội”, mà có thể là “gây bất ngờ”, hoặc đẹp đẽ hơn nữa là “chinh phục”.

Vấn đề là nếu muốn đi hết chặng đường đó, mỗi bước chân đều cần phải được đặt xuống một viên gạch vững chắc, một con đường rộng mở, một lộ trình được hoạch định tỉ mỉ. Điều này thì lại không phụ thuộc nhiều vào các cầu thủ, vào HLV trưởng các ĐTQG hay vào Giám đốc kỹ thuật, mà vai trò quyết định thuộc về những người lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Mỗi giải đấu sẽ phải hướng đến một mục tiêu cụ thể (về mặt chuyên môn), và cần phải được tạo điều kiện lý tưởng (về các vấn đề mang tính “hậu cần”). Trong “mùa chiến dịch”, kỹ năng quản lý - tổ chức lại càng trở nên quan trọng.