Tín hiệu tích cực

Vòng đàm phán thứ 7 về vấn đề hạt nhân của Iran, diễn ra tại Vienna (Áo) bước đầu đã ghi nhận tín hiệu tích cực. Dù các bên vẫn giữ lập trường cứng rắn, nhưng phương Tây và Iran đã thể hiện tinh thần xây dựng và cởi mở trên bàn đàm phán.

Quang cảnh cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc tại Vienna. Ảnh: REUTERS
Quang cảnh cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc tại Vienna. Ảnh: REUTERS

Lập trường kiên định của Iran

Vòng đàm phán giữa các cường quốc gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Đức với Iran diễn ra tại Cung điện Palais Coburg ở Vienna. Mục đích của vòng đàm phán này là tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được Iran ký với Nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Tuy nhiên, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018. Do đó, Mỹ chỉ tham gia vòng đàm phán này với tư cách gián tiếp.

Thời gian trước và trong khi diễn ra vòng đàm phán, phía Iran luôn bày tỏ thái độ cứng rắn và không khoan nhượng trước những yêu sách của phương Tây. Điều này được thể hiện trong tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Hossein Amir Abdollahian, rằng lợi ích quốc gia của Iran phải được bảo đảm. 

Ông Abdollahian khẳng định, Iran có thái độ nghiêm túc trong các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân, đồng thời nhắc lại quan điểm rõ ràng của Tehran là các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ, các quyền và lợi ích của người dân Iran phải được bảo đảm. Phía Iran tỏ rõ thái độ cương quyết với Mỹ khi tuyên bố Tehran chưa sẵn sàng đàm phán song phương với phái đoàn của Washington.

Trong khi đó, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), Mohammad Eslami cho biết, các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna là bàn về việc đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận JCPOA; đồng thời tái khẳng định lập trường xuyên suốt của Tehran rằng, Mỹ phải bãi bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt chống Iran. Bộ trưởng Amir Abdollahian nhấn mạnh thêm rằng, việc Mỹ quay trở lại JCPOA sẽ là vô nghĩa nếu không có những bảo đảm về lợi ích của Iran, do đó, Washington cần thể hiện thiện chí bằng hành động dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Lạc quan sau cuộc gặp đầu tiên

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi, kêu gọi ông Raisi tham gia trên tinh thần xây dựng vào các cuộc đàm phán. Tổng thống Macron nhấn mạnh, Paris muốn chứng kiến Tehran trở lại tuân thủ đầy đủ mọi cam kết trong JCPOA, cũng như Mỹ trở lại thỏa thuận.

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Raisi tỏ ý chỉ trích Mỹ khi cho rằng, bên nào vi phạm thỏa thuận hạt nhân đầu tiên phải giành được lòng tin của bên còn lại để các cuộc đàm phán tiếp diễn một cách thiết thực và hiệu quả, đồng thời kêu gọi Tổng thống Pháp can thiệp nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran. Ông Raisi nhấn mạnh, việc Iran cử một phái đoàn đông đủ đến tham gia đàm phán cho thấy thiện chí nghiêm túc của Tehran. 

Nhận định sau phiên thảo luận đầu tiên, đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách điều phối các cuộc thảo luận khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông Enrique Mora bày tỏ cảm giác “rất tích cực”, song thừa nhận vẫn còn nhiều vấn đề khó chưa được giải quyết. Đại diện của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, Đại sứ Mikhail Ulyanov cho biết, các cuộc gặp đầu tiên trong vòng đàm phán nhằm mục đích nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran, đã khởi đầu “một cách thành công mỹ mãn”. 

Trên mạng xã hội Twitter, ông Ulyanov viết: “Cuộc họp của Ủy ban chung về JCPOA kết thúc. Các bên tham gia đã nhất trí về những bước đi lập tức tiếp theo trong vòng đàm phán thứ 7, vốn khởi đầu một cách thành công mỹ mãn”. Đồng quan điểm với đại diện của Nga, Trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri Kani cũng bày tỏ lạc quan về các cuộc gặp đầu tiên, cho biết các bên tham dự vòng đàm phán nhất trí rằng chương trình nghị sự sẽ tập trung vào việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran.

Cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran, vốn bị đình chỉ từ tháng 6, đứng bên bờ đổ vỡ kể từ khi Mỹ rút khỏi năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran, dẫn tới việc Iran đáp trả bằng cách tăng cường các hoạt động hạt nhân. Cộng đồng quốc tế đang mong chờ những kết quả tốt đẹp từ các cuộc đàm phán giữa các cường quốc và Iran, nhằm giúp Tehran khôi phục kinh tế, người dân Iran được hưởng các quyền và lợi ích chính đáng, cũng như góp phần ổn định và an ninh ở khu vực Trung Đông.