Thúc đẩy đoàn kết quốc tế trước thềm COP26

Trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết để đạt được những bước tiến tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khí phát thải từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Ảnh: AP
Khí phát thải từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Ảnh: AP

Kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu

Trong bối cảnh COP26 chỉ còn một tuần nữa sẽ khai mạc tại Glasgow của Anh (diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11), Tổng Thư ký LHQ khẳng định, tình hình khí hậu hiện nay sẽ là “tấm vé một chiều dẫn tới thảm họa” nếu các quốc gia trên thế giới không hành động mạnh mẽ nhằm đối phó sự nóng lên của Trái đất và phát triển bền vững.

Theo người đứng đầu LHQ, các dữ liệu khí hậu của cơ quan này cho thấy, nhiệt độ Trái đất đang tiến dần tới mức tăng 2,7OC so thời kỳ tiền công nghiệp. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được nhất trí tại COP21 năm 2015 kêu gọi cộng đồng quốc tế kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2OC và mức tăng lý tưởng là gần 1,5OC. Đề cập đến Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp diễn ra tại Rome (Italia), Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, nếu các nước này, vốn chiếm tới bốn phần năm lượng phát thải carbon toàn cầu, không có những hành động mạnh mẽ, thế giới sẽ phải hứng chịu hậu họa thảm khốc.

Tổng Thư ký Antonio Guterres cho biết, các gói giải pháp chính trị sẽ được đưa ra tại COP26 cần ít nhất ba yếu tố chính: Giảm khí phát thải, tăng tài trợ cho hành động vì khí hậu ở các nước đang phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nước phải nhanh chóng thu hẹp khoảng cách lượng phát thải, cùng nhau cam kết hành động để tới năm 2030 giảm được 45% lượng khí thải so mức năm 2010. Mỗi quốc gia phải không ngừng duy trì thực thi các cam kết về khí hậu cho đến khi cùng đạt mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ 1,5OC. Các nước phát triển cần thu hẹp khoảng cách tài chính bằng cách cung cấp 100 tỷ USD/năm như cam kết cho các nước đang phát triển. 

Ông Antonio Guterres đặc biệt nhấn mạnh các nước có lượng khí phát thải lớn trên thế giới, trong đó bốn quốc gia đứng đầu là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nga, cần thể hiện quyết tâm bằng những hành động cụ thể để cắt giảm lượng khí phát thải.

Ủy ban Chuyển đổi năng lượng - liên minh toàn cầu gồm các giám đốc điều hành cấp cao của 40 nhà sản xuất năng lượng, công ty công nghiệp và tổ chức tài chính, đã đưa ra các đề xuất về đối phó biến đổi khí hậu. Theo đó, ngăn chặn nạn phá rừng và tái trồng rừng, đẩy nhanh quá trình loại bỏ sản xuất điện than, cấm bán và hạn chế sử dụng các loại xe hạng nhẹ động cơ đốt trong vào năm 2035, hướng tới 20% số ô-tô chạy trên đường dùng động cơ điện vào năm 2030. 

Các nước cam kết đối phó biến đổi khí hậu

Dù Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự  COP26, song Moscow khẳng định, đối phó biến đổi khí hậu là một trong các ưu tiên quan trọng trong chính sách của Nga, nước có lượng khí phát thải lớn thứ ba thế giới. Tổng thống Putin cũng vừa tuyên bố, Nga đang hướng tới mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2060. 

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, sẽ tới Glasgow để tham dự COP26, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu trong cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhật Bản vừa thông qua kế hoạch năng lượng mới, với mục tiêu giảm 46% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào 2030, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050. Saudi Arabia đặt mục tiêu tới năm 2030 giảm khoảng 278 triệu tấn lượng phát thải CO2 hằng năm và không phát thải carbon vào năm 2060.

Chính phủ Anh công bố “Chiến lược trung hòa khí thải” nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế không CO2, giảm phụ thuộc nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và phát triển năng lượng sạch. Được xây dựng trên Kế hoạch 10 điểm về biến đổi khí hậu của Thủ tướng Boris Johnson, chiến lược này dự kiến sẽ tạo ra 440.000 việc làm và thu hút 90 tỷ bảng Anh đầu tư của tư nhân vào các ngành công nghiệp xanh. Anh sẽ đầu tư 620 triệu bảng để phát triển xe điện và các trạm sạc điện, 350 triệu bảng để hỗ trợ các chuỗi cung ứng ô-tô chuyển sang xe điện, đồng thời bắt buộc các hãng sản xuất ô-tô phải bán kèm cả xe thân thiện với môi trường.

Anh cũng sẽ chi 3,9 tỷ bảng để hỗ trợ mỗi gia đình 5.000 bảng lắp máy bơm nhiệt phát thải CO2 thấp thay thế các bình đun nước nóng chạy bằng gas, nhằm giảm phát thải tại 30 triệu tòa nhà trên khắp đất nước; 124 triệu bảng sẽ dành cho dự án khôi phục 280.000 ha than bùn ở vùng England vào năm 2050 nhằm phủ thêm ít nhất 30.000 ha rừng mỗi năm; 120 triệu bảng rót vào các dự án hạt nhân và thêm 500 triệu bảng cho các sáng kiến phát triển công nghệ xanh.