Thông điệp về những đại dương khỏe mạnh

Hội nghị Đại dương của LHQ đang diễn ra tại Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, sau thời gian dài bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19. Với thông điệp “Nhân loại cần có những đại dương khỏe mạnh”, hội nghị thảo luận những biện pháp giảm tình trạng ô nhiễm ở các đại dương.

Rác thải nhựa là một nguyên nhân chính gây ô nhiễm các đại dương. Ảnh: GETTY
Rác thải nhựa là một nguyên nhân chính gây ô nhiễm các đại dương. Ảnh: GETTY

Tình trạng ô nhiễm đáng báo động

Các đại dương tạo ra 50% lượng oxy con người hít thở, cung cấp protein và chất dinh dưỡng thiết yếu cho hàng tỷ người mỗi ngày. Bao phủ hơn hai phần bề mặt Trái đất, các vùng biển cũng làm dịu tác động của biến đổi khí hậu đối với sự sống trên đất liền, nhưng nhận lại những thiệt hại vô cùng nặng nề. Việc hấp thụ khoảng một phần tư khí CO2 trên toàn cầu, ngay cả khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính này tăng gấp rưỡi trong 60 năm qua, đã đẩy nhanh quá trình axit hóa nước biển, đe dọa trực tiếp đến các loài sinh vật biển và ảnh hưởng nỗ lực rút carbon từ đại dương. Trong khi đó, việc các đại dương hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ hiện tượng ấm lên toàn cầu cũng đã tạo nên những đợt sóng nhiệt khổng lồ trên biển, tàn phá các rạn san hô quý và mở rộng những vùng biển thiếu oxy. 

Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cảnh báo, mỗi năm đại dương phải hứng chịu từ 19-23 triệu tấn rác thải nhựa. Số lượng rác thải nhựa dùng một lần đang chiếm tới 60% lượng rác gây ô nhiễm đại dương. Ước tính, sản phẩm nhựa trên thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, đồng nghĩa ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa sẽ tăng gấp ba lần hiện nay. Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), hiện có từ 75-199 triệu tấn rác thải nhựa đang trôi nổi trong các đại dương trên thế giới, cũng như 5-10 tỷ mảnh nhựa trên các bờ biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

UNEP cảnh báo, điều khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn là những hành động gây ô nhiễm không ngừng diễn ra, với ước tính mỗi phút có một “xe tải” rác thải nhựa xả vào đại dương. Các hạt nhựa siêu nhỏ đã được phát hiện trong lớp băng ở Bắc Cực và thậm chí cả trong ruột của những loài cá sống ở các rãnh sâu nhất của đại dương. Những vi hạt nhựa này ước tính mỗi năm có thể giết chết hơn một triệu loài chim biển và 100.000 động vật có vú ở biển.

Thông điệp về những đại dương khỏe mạnh -0
Nguồn: CITIZENSUSTAINABLE 

Chung tay đối phó ô nhiễm đại dương

Hội nghị Đại dương LHQ tại Lisbon, với sự tham gia của một số nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhiều bộ trưởng cùng hàng nghìn nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia, thảo luận các biện pháp khắc phục tình trạng suy thoái của các đại dương trên toàn cầu. Dù đây không phải là một hội nghị chính thức, nhưng các bên tham gia cam kết thúc đẩy, tạo tiền đề xây dựng những chương trình nghị sự mạnh mẽ về đại dương tại hai hội nghị cấp cao quan trọng diễn ra cuối năm 2022, gồm Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tháng 11 tại Ai Cập và Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước khung về đa dạng sinh học (COP15) tháng 12 tại Canada.

Các đại dương hiện là trọng tâm của dự thảo hiệp ước đa dạng sinh học, được xây dựng với mục tiêu ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên trong vòng 65 triệu năm - điều mà nhiều nhà khoa học đang cảnh báo. Gần 100 quốc gia trên thế giới đã ủng hộ một điều khoản nền tảng về việc dành 30% diện tích đất liền và đại dương trên Trái đất để xây dựng các khu bảo tồn. Đối với biến đổi khí hậu, trọng tâm hướng tới sẽ là tăng cường khả năng hấp thụ CO2 của đại dương, song song với phục hồi sức khỏe môi trường biển.

Tại châu Á, Indonesia và Australia vừa hợp tác thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo xử lý rác nhựa tại Indonesia với số tiền tài trợ gần một triệu USD nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trung tâm này tập hợp các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, khu vực tư nhân và nhà nước nhằm hợp tác tìm kiếm các giải pháp xử lý rác thải nhựa trên các tuyến đường thủy tại Indonesia và mở rộng ra khu vực lân cận. Đại sứ Australia tại Indonesia Penny Williams hy vọng sáng kiến này sẽ khuyến khích các đối tác quốc tế trong khu vực cùng nhau phát triển các giải pháp mạnh mẽ, xác định những biện pháp can thiệp hiệu quả, lấp đầy khoảng trống nghiên cứu và tối đa hóa nguồn vốn đầu tư chung để giải quyết thách thức này.

Trước đó, Hội nghị cấp cao quốc tế về đại dương được tổ chức tại Pháp cũng ra Tuyên bố “Cam kết Brest về đại dương”, văn kiện 13 điểm để thực hiện các cách thức bảo vệ sự đa dạng sinh học, tài nguyên và việc khai thác các đại dương trên khắp hành tinh. Cam kết Brest xoay quanh những chủ đề chính: Bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên của các đại dương, chung sức cùng đại dương ứng phó biến đổi khí hậu, chấm dứt ô nhiễm do rác thải nhựa trên các đại dương và đặt đại dương vào trung tâm của chương trình nghị sự quốc tế, có thể coi là kết quả tích cực, tạo lực đẩy cho nỗ lực bảo vệ đại dương trên toàn cầu.