Thế giới trước nguy cơ phong tỏa diện rộng

Sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 mới có tên Omicron đang đẩy thế giới trước nguy cơ phong tỏa diện rộng. Nhiều nước đã ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh và đóng cửa biên giới với miền nam châu Phi do lo ngại làn sóng Covid-19 mới.        

Nhiều nước đã hạn chế đi lại do lo ngại nhiễm biến thể Omicron. Ảnh: AP
Nhiều nước đã hạn chế đi lại do lo ngại nhiễm biến thể Omicron. Ảnh: AP

Nhiều nước ban bố tình trạng khẩn cấp

Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang hoành hành tại Đức, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo tình hình dịch bệnh tại nước này đang nghiêm trọng hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, đồng thời nhấn mạnh rằng những cảnh báo về dịch bệnh vẫn chưa được tất cả người dân tại Đức lưu tâm. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng không quân Đức bắt đầu giúp chuyển các bệnh nhân Covid-19 tại các khu điều trị tích cực ở những bệnh viện quá tải tới các vùng chịu ảnh hưởng ít hơn. 

Tại Mỹ, Thống đốc bang New York, bà Kathy Hochul đã ra tuyên bố “tình trạng khẩn cấp do thảm họa”, trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm và nhập viện do Covid-19 tại bang này gia tăng. Thống đốc Hochul nhấn mạnh, bang New York đang chứng kiến tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao chưa từng thấy từ tháng 4/2020, vì vậy cần tiến hành các biện pháp đồng bộ để bệnh viện không bị quá tải. Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực đến ngày 15/1/2022.

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã ban bố lệnh phong tỏa ban đêm, theo đó các quán bar, nhà hàng và phần lớn cửa hàng tại nước này sẽ phải đóng cửa từ 17 giờ hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau. Đây là một phần các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng số ca mắc mới Covid-19 gia tăng khiến các bệnh viện quá tải. Ngoài ra, Hà Lan cũng bắt buộc đeo khẩu trang tại các trường trung học cơ sở từ ngày 28/11.

Tổng thống Colombia, Ivan Duque thông báo, nước này sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp để ứng phó với dịch Covid-19 do sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Theo đó, tình trạng khẩn cấp ứng phó với Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ kéo dài đến 28/2/2022. Colombia trước đó có kế hoạch gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 11 này. 

Thủ tướng Israel, ông Naftali Bennett cảnh báo quốc gia Trung Đông này đang đối mặt tình trạng khẩn cấp quốc gia với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Israel đang cân nhắc đóng cửa các trường học để khuyến khích học sinh tiêm vaccine phòng bệnh. 

Sau khi được phát hiện lần đầu tại Nam Phi, Omicron-biến thể được cho có khả năng nguy hiểm hơn biến thể Delta, đã lây lan sang nhiều nước láng giềng của Nam Phi và nhanh chóng xuất hiện tại các nước và vùng lãnh thổ châu Á và châu Âu. Châu Đại Dương và châu Mỹ đang rà soát các ca nghi nhiễm. 

Mở rộng danh sách cấm nhập cảnh

Để đối phó sự lây lan của biến thể Omicron, Mỹ thông báo hạn chế đi lại từ Nam Phi và 7 quốc gia châu Phi khác từ ngày 29/11. Các quốc gia nằm trong lệnh cấm đi lại của Mỹ gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Tuy nhiên, các hạn chế đi lại mới sẽ không áp dụng với công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp. 

Canada cũng thông báo cấm nhập cảnh nước này đối với người nước ngoài đã đi qua các nước miền nam châu Phi trong vòng 14 ngày qua, do lo ngại về biến thể Omicron. Brazil thông báo sẽ đóng cửa biên giới với du khách tới từ 6 quốc gia miền nam châu Phi. Các công dân Brazil trở về từ các quốc gia này phải tuân thủ quy định cách ly.

Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia Đông Nam Á không nên buông lỏng cảnh giác trong bối cảnh thế giới đang lo lắng về biến thể đáng lo ngại Omicron. Thái Lan cũng tuyên bố cấm nhập cảnh đối với những người đến từ 8 quốc gia châu Phi trong danh sách có nguy cơ cao do biến thể Omicron, tương tự danh sách mà Mỹ vừa công bố lệnh cấm. Bộ Y tế Malaysia cho hay, nước này sẽ tạm thời cấm nhập cảnh tất cả công dân nước ngoài đã từng đến Nam Phi và 6 quốc gia miền nam châu Phi trong 14 ngày qua.

Liên minh châu Âu (EU) thông báo, các nước thành viên đã nhất trí tạm ngừng hoạt động đi lại tới khu vực miền nam châu Phi sau khi phát hiện biến thể Omicron. Nga cho biết, từ ngày 28/11 sẽ hạn chế công dân từ 9 nước châu Phi và Hồng Công (Trung Quốc) nhập cảnh. 

Trong khi đó, Nam Phi cho rằng, việc châu Âu vội vàng áp đặt lệnh cấm đi lại là sai lầm và trái với khuyến cáo của WHO. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla tuyên bố, một số phản ứng từ các nước châu Âu là “không hợp lý”, đồng thời cảnh báo những phản ứng như vậy có thể khiến các quốc gia né tránh báo cáo về những trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron.